Tin tức

Nghệ sĩ Lưu Hồng Quang: Âm nhạc là lẽ sống

Với nghệ sĩ piano Lưu Hồng Quang, âm nhạc là một hành trình dài của học hỏi và luyện tập.

Sở hữu một list dài những giải thưởng danh tiếng trên thế giới, nhưng con đường của anh vẫn chưa dừng lại. Ngày 5-1 tới, anh sẽ về Việt Nam biểu diễn song tấu cùng em trai, nghệ sĩ Lưu Đức Anh, mở đầu cho chuỗi hòa nhạc kỷ niệm 250 năm ngày sinh của nhà soạn nhạc thiên tài Beethoven.

Mỗi năm anh đều dành thời gian về Việt Nam biểu diễn. Và đây là lần đầu tiên hai anh em sẽ song tấu Bản Giao hưởng số 9 của nhà soạn nhạc thiên tài Beethoven nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh của ông. Vì sao anh lại chọn bản giao hưởng này?

+ Chúng tôi thấy không có gì tuyệt vời hơn khi bắt đầu mùa diễn kỷ niệm 250 năm ngày sinh của nhà soạn nhạc Beethoven bằng bản giao hưởng vĩ đại nhất của ông, Bản giao hưởng số 9. Người ta ví von, nếu có người ngoài hành tinh đến trái đất và trong 70 phút muốn biết con người và thế giới thế nào hãy cho họ nghe bản giao hưởng này. 

Trong 70 phút đó, họ được ngắm một bức tranh rất sống động về quá trình phát triển, hình thành của con người. Xuyên suốt tác phẩm là chặng đường hình thành của vũ trụ từ thuở sơ khai đến cỏ cây hoa lá, và sự xuất hiện của con người.

Litz chính là người đã chuyển soạn 9 giao hưởng của Beethoven cho cây đàn piano. Litz khi còn nhỏ được biết là một thần đồng, khả năng diễn tấu trên cây đàn rất siêu phàm, người thầy của Litz đưa ông đến gặp Beethoven và biểu diễn cho Beethoven nghe. Kết thúc chương trình, Beethoven lên sân khấu trao một nụ hôn nhẹ nhàng lên trán Litz, lúc đó mới 12 tuổi. Đó là những dấu ấn mang tính lịch sử và sự kết nối nghệ thuật giữa hai tác giả nổi tiếng. 

Litz là người đầu tiên đưa nghệ thuật biểu diễn piano độc tấu thành một phần không thể thiếu trên sân khấu. Người ta ví mỗi cây đàn piano là một dàn nhạc giao hưởng thu nhỏ và lần này sẽ là song tấu piano để biểu đạt sự vĩ đại của Bản giao hưởng số 9.

Anh có bị áp lực không vì bản nhạc này quá nổi tiếng và gắn liền với tên tuổi của các nghệ sĩ lớn?

+ Áp lực lớn nhất từ chính mình. Tôi đòi hỏi bản thân rất cao, nếu không được như ý tôi sẽ bị cắn rứt lương tâm nghề nghiệp. Bản giao hưởng này như một đỉnh cao của nghệ thuật văn hóa châu Âu thế kỷ 19 và nó trường tồn. Tôi chơi bản nhạc này không phải để chứng minh mình mà chỉ muốn góp tiếng đàn của mình vào trong cộng đồng âm nhạc trên thế giới. Áp lực lớn nhất là muốn làm cho tốt thôi.

Là một nghệ sĩ trẻ, anh sẽ chơi bản giao hưởng này theo chuẩn mực cổ điển hay có những phá cách, mang thêm vào đó hơi thở đương đại?

 + Nội dung âm nhạc vẫn như vậy. Beethoven muốn tái hiện những hình ảnh vĩ đại của thiên nhiên, vũ trụ, cỏ cây hoa lá, của muôn loài, của reo vui khi loài người xuất hiện. Mỗi người sẽ có cảm nhận về bản nhạc khác nhau. Vẫn là niềm vui, nỗi buồn, nhưng cảm xúc của chị sẽ khác của tôi, vì thế, tôi chỉ cho một chút cảm nhận cuộc đời của mình vào trong đó.

Hơn nữa, thẩm mỹ âm nhạc thay đổi theo thời gian. Mình phải có sự am hiểu về hơi thở thời đại, nhịp sống bây giờ khác ngày xưa ông Beethoven dạo chơi bên hồ và thấy ánh trăng lấp ló dưới dòng nước và viết bản "Sonat ánh trăng". Tôi vẫn giữ cái hồn của tác phẩm nhưng hoàn thiện hơn về tốc độ, kỹ thuật. Bởi nếu tác giả cho mình ý đồ rồi thì người nghệ sĩ cần đào sâu bóc trần các lớp ra để hoàn thiện hơn chứ không chỉ hài lòng với ý đồ thế là đủ rồi.

Trong một bài phỏng vấn, anh có nói rằng, anh quan tâm đến âm nhạc trước thế kỷ 20 hơn là âm nhạc đương đại. Vì sao vậy?

+ Âm nhạc thế kỷ 19 gần với con người nhất, những câu chuyện thiên nhiên, tình người rất nhân văn. Thế kỷ 19 là thời kỳ lãng mạn, có sự dung hòa tuyệt vời giữa các phát minh âm nhạc và cảm xúc con người. Chừng nào còn người học đàn, chơi đàn thì những bản nhạc đó vẫn được chơi. Những tác phẩm đó chạm vào trái tim, khi nghe nó gợi cho mình rất nhiều thứ, kỷ niệm, cảm xúc… 

Còn nhạc đương đại với tính chất thể nghiệm, xào nấu các ý tưởng độc đáo, đôi khi chỉ gây cho người ta ấn tượng hơn là mang lại cảm xúc. Âm nhạc thế kỷ 19 miêu tả thiên nhiên, đời sống con người qua lăng kính của lòng nhân ái. Còn thế kỷ 20 lột tả chân thực, khốc liệt hơn.

Những người theo dõi con đường âm nhạc của anh đều nhận ra, khoảng hai năm gần đây, Lưu Hồng Quang đã có sự thay đổi trong phong cách âm nhạc. Âm nhạc của anh đi vào chiều sâu, sự tinh túy với danh mục biểu diễn thay đổi. Có vẻ anh chưa hài lòng với những gì mình đã đạt được?

+ Sau khi học xong với NSND Đặng Thái Sơn, tôi có rất nhiều dự định, từng sang Malaysia tổ chức lớp học, về TP Hồ Chí Minh làm trại hè và ấp ủ nhiều kế hoạch khác. Nhưng tôi đã gặp hai bà giáo và làm việc với họ một thời gian dài, tôi nhận thấy nếu khả năng của mình vẫn còn để phấn đấu trong sự nghiệp của một nghệ sĩ piano ở trình độ cao thì vẫn phải dốc hết sức.

- Đến tuổi này, tôi nhận ra một điều rằng, sự học không bao giờ dừng lại, chỉ có điều mình có muốn hay không. Bây giờ tôi học còn say hơn ngày xưa, cả ngày dạy học, rồi tập xong phần mình phải trả bài thì đêm còn lấy đàn điện ra đánh tiếng bé để vỡ bài mới. Nhất quyết nói không với việc đánh những gì mình tốt rồi, phải học và rèn luyện để đánh những gì mình chưa tốt. Không học sẽ không phát triển.

Vì sao anh vẫn miệt mài và giữ được tinh thần học tập cao như thế?

+ Với tôi, đánh đàn, dạy học hay làm gì liên quan đến âm nhạc tôi không thỏa hiệp với những gì mà chất lượng chưa đủ. Âm nhạc là nghề sống hay âm nhạc là niềm sống của mình, nó hoàn toàn khác nhau. 

Với tôi âm nhạc là lẽ sống, nếu thiếu nó tôi không sống được, tôi không thỏa hiệp với những gì không đúng, kể cả con đường có chông gai thì tôi vẫn cố gắng đi. Năm nay, hai học trò của tôi được hai giải nhất, một giải nhất toàn nước Úc, bảng 12 tuổi trở xuống, một em được giải nhất bên Mỹ, bảng 16 tuổi. Mình cứ tập trung vào cái lõi âm nhạc, mọi thứ sẽ đến. Việc đầu tư, nghiêm khắc với bản thân không bao giờ là thừa.

Tôi trò chuyện với anh từ năm 2016, khi anh trở về nước và có một concert ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Từ đó đến nay, tôi thấy anh luôn xác định con đường đi của mình khá rõ ràng và kiên định đấy chứ?

+ Tôi cứ quan niệm thế này, chả biết mình có chọn đúng không, nhưng trong lúc đó, ngay tại lúc đó, trước khi biết cái gì tốt hơn, thì phải cố hết cỡ đã. Lúc nào cũng phải cố nhất trong thời điểm đó. Mình không nên tự hài lòng và dừng lại, cuộc sống luôn vận động mà, mình nên có chuyển động chiều ngang chứ không phải chiều dọc.

- Nghệ sĩ dương cầm thường cô đơn, còn anh thì sao?

+ Ngày xưa tôi học NSND Đặng Thái Sơn, chú có chia sẻ, cái gì không tốt cho trái tim sẽ tốt cho âm nhạc. Bởi trong lòng luôn có điều gì đó để nói ra. Nhiều khi không có gì trăn trở, đau khổ cũng không tốt lắm. Đầu tiên là sẽ ít có sự rung động, ít cảm thông với con người, không hiểu thế nào là nỗi đau, sự cô đơn, thiếu thốn. 

Nếu mình không có tất cả mọi thứ mình cũng không lỗ, nó sẽ tốt cho âm nhạc. Dĩ nhiên, đã là con người, ai cũng muốn có sự chia sẻ tình cảm, tâm hồn với người khác nhưng không nên cưỡng cầu. Phải biết hài lòng và vui với những gì mình đang đạt được và hy vọng với những gì mình muốn đạt được.

Vậy điều Quang hướng tới cho tương lai sẽ là gì?

+ Tôi không còn trẻ nên trong thời gian tới tôi tập trung nhiều cho việc thi đấu.

Anh đã có một list rất dài những giải thưởng từ các cuộc thi danh tiếng trên thế giới. Tại sao anh vẫn chọn thi đấu?

+ NSND Đặng Thái Sơn chỉ có một giải Chopin nhưng đó là giải thưởng danh giá nhất. Nếu chị đi tàu, có một tấm vé đi xuyên quốc gia và một tấm vé đi từ đây ra Hà Đông, vé nào giá trị hơn? Giải thưởng đó rất công bằng vì nó là tem quốc tế, định vị chính mình và tôi cũng chỉ còn một quãng thời gian nhất định để học và thi. Tôi xác định, nếu không được thì quá trình mình học, tập luyện và trải nghiệm cũng nhận được nhiều thứ để sau này dạy học sinh và nâng cao tiếng đàn của mình.

Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.

Nhân dịp sinh nhật lần thứ 250 của Beethoven (1770 - 2020), nghệ sĩ Lưu Hồng Quang cùng em trai là nghệ sĩ Lưu Đức Anh sẽ mang đến cho công chúng Việt Nam một chương trình hoà nhạc song tấu piano diễn ra vào 20h ngày 5-1-2020 tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Lưu Hồng Quang (SN 1990) hiện là giảng viên trẻ tuổi nhất tại Học viện Âm nhạc và Biểu diễn Nghệ thuật Úc (AMPA). Anh từng được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2011 và được vinh danh là một trong mười gương mặt điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2017.

Nguồn: NB Việt Hà