Skip to content

Hành trình hồi sinh cùng: Liszt, Schumann & Brahms

Hành trình hồi sinh cùng: Liszt, Schumann & Brahms

Linh khí của đất nước là báu vật được kết tinh từ sự đấu tranh và hi sinh của bao thế hệ cha ông ta. Giá trị của những giây phút hòa bình được đo đếm bằng những ngày đêm chiến đấu không ngủ của quân và dân, là máu và nước mắt của những bậc anh hùng đã dâng hiến cả cuộc đời cho mùa xuân của dân tộc. Sự trường tồn của linh khí ngàn năm ấy chính là ở sự đồng lòng của toàn dân để biến sức mạnh đoàn kết thành nội lực để gìn giữ và bảo vệ Tổ Quốc.

Chương trình hòa nhạc “Hành trình hồi sinh cùng: Liszt, Schumann & Brahms”là một hành trình âm nhạc đặc biệt dẫn dắt khán giả đến với những cung bậc cảm xúc vô cùng sâu sắc, từ bi hùng với khúc Funérailles như lời tri ân của thế hệ trẻ tới các anh hùng dân tộc đã hi sinh cho Tổ Quốc, đến sự trong trẻo và hồn nhiên trong những góc trẻ thơ vui nhộn với khúc Kinderszenen của Schumann, mở ra một không gian hòa bình và yên ấm sau cuộc chiến. Khí thế kiêu hãnh, trang nghiêm quay trở lại khi khúc Piano sonata no.3 op.5 in F minor của Brahms như khẳng định sự đồng lòng của nhiều thế hệ sẽ cùng nhau nắm chặt tay để xây dựng tương lai đất nước.

Funérailles (hành khúc tang lễ) của Liszt mở màn với những tiếng “chuông” trầm hùng tạo nên một không khí trang nghiêm và hồi tưởng được dẫn dắt bởi những những giai điệu vô cùng cao thượng. Đoạn “hành khúc” dồn dập, kịch tính đầy khí thế chiến đấu với tiết tấu nhanh và khẩn trương của những nốt nhạc quãng 8 tay trái trong phần giữa của Funérailles như những vó ngựa oai hùng của đoàn kỵ binh đang hiên ngang trên mặt trận.

Mạch cảm xúc uyển chuyển dẫn dắt sang sắc thái dịu êm trong âm hưởng của hòa bình với khúc nhạc Kinderszenen (Scenes from childhood) op.15 của Schumann. Kinderszenen là dòng cảm xúc hồn nhiên, thân thuộc trong thế giới của trẻ thơ với sắc thái vô cùng trong sáng. Những góc nhỏ của tuổi thơ mà ai cũng đã từng trải qua hiện lên thật sinh động, trong veo với những tiếng nô đùa, những trò chơi lý thú của trẻ nhỏ, những phút giây nũng nịu và nài nỉ để xin một món đồ thật đáng yêu hồn nhiên.

Kinderszenen bắt đầu với khúc Von fremden Landern und Menschen (Ở một vùng đất mới) mở ra với giai điệu trong trẻo như ánh mắt của trẻ thơ khi được trải nghiệm những bức tranh đầu tiên mới lạ và đầy màu sắc của cuộc sống. KhúcCuriose Geschichte (Hiếu kì) nảy lên trong những tiết tấu móc giật như bóng dáng những đứa trẻ “đứng ngồi không yên”, phấn khích kể lại những trải nghiệm mới mẻ của mình. Và không thể thiếu trong bức tranh tuổi thơ đó là những trò chơi của trẻ nhỏ khi Hasche-Mann (Rượt bắt hay Bịt mắt bắt dê) như tiếng nói “hãy bắt lấy tôi, nếu có thể”. Những nét chạy vui nhộn, giòn tan như một nhóm trẻ cười đùa đuổi bắt nhau.Bittendes Kind (Nài nỉ) tiếp nối với những hoà thanh và giai điệu long lanh như ánh mắt đáng yêu của đứa trẻ đang muốn xin một chiếc kẹo hay một món đồ chơi với tiếng nài nỉ tha thiết “Làm ơn! Làm ơn đi mà!”. Gluckes genug (Hoan hỉ) tiếp nối niềm vui hân hoan khi em bé đã có được món đồ chơi hay cái kẹo, nhâm nhi trong niềm hạnh phúc và mãn nguyện.

Khúc Wichtige Begebenheit (Trịnh trọng) bất ngờ mang đến sự thay đổi đột ngột khi sắc thái âm thanh chuyển từ dịu êm sang trang trọng và đầy nghiêm túc. Những đứa trẻ nghịch ngợm lại có những lúc ngay ngắn xếp thẳng hàng thật gương mẫu và trật tự, trông thật là người lớn lắm. Rồi dòng cảm xúc lại quay trở lại êm đềm khi khúc Traumerei (Giấc mơ) trôi bồng bềnh trên một nền hoà thanh ảo diệu như một giấc mơ đẹp và trong trẻo mang những rung động thuần khiết của tuổi ấu thơ. Và bức tranh tuổi thơ ấy được vẽ thêm một gam màu ấm áp khinét nhạc tròn trịa của Am Camin (Bên lò sưởi) như hơi ấm của một em bé ngoan ngoãn ôm và vuốt ve chú cún con cuộn tròn trước lò sưởi. Rồi sau đó những trò chơi lại tiếp tục được đan xen nhau trongRitter vom Steckenpferd (Ngựa bập bênh) với những tiết tấu đảo phách nhí nhảnh bắt chước một em bé ngồi lắc lư trên ngựa gỗ. Giai điệu trở nên suy tư hơn khi khúc Fast zu Ernst (Nghiêm túc) trên hoà thanh buồn man mác của giọng thứ như lời thủ thỉ mở lòng ngập ngừng nhưng chân thật của một em bé đang giãi bày tâm sự.

Một cảm xúc mới lạ được đan xen khi Furchtenmachen (Lo lắng) mở ra một đường đi nhấp nhổm với những nốt chromatique (bán âm) tạo cảm giác run rẩy của một đứa trẻ dường như đã trót làm gì sai trái và đang tìm đủ mọi cách chạy trốn, biện bạch và lấy lòng người lớn. Thế rồi Kind im Einschlummern (Say giấc) ùa tới, những hợp âm khẽ chuyển mình qua trái, qua phải giống như em nhỏ đang ngọ ngoạy một hồi rồi chìm vào giấc ngủ, bắt đầu bay bổng trong những giấc mơ êm đềm. Và âm nhạc nhẹ nhàng chuyển tới tiểu phẩm cuối cùngDer Dichter spricht (Ngâm thơ) với một tâm trạng hoài niệm và tiếc nhớ. Từng nốt nhạc “lời ít ý nhiều”, với sự ngỡ ngàng trước nhận nhận định “ông cụ non” thật nhạy cảm về cuộc sống qua ánh mắt của trẻ thơ.

Mười ba tiểu phẩm của Kinderzenen là mười ba sắc thái cảm xúc đan xen và hòa quyện với nhau đưa chúng ta trở về chuyến tàu tuổi thơ đầy hoài niệm. Kinderzenen gợi lên một khung cảnh yên bình mà thế giới trẻ thơ được lớn lên và tận hưởng. Hòa bình, đó cũng là ước mơ và khao khát của biết bao nhiêu thế hệ đi trước, những người đã đấu tranh để gìn giữ, nâng niu và truyền lại cho thế hệ mai sau.

Sắc thái êm dịu và thanh bình của Kinderzenen sớm đi qua, dòng cảm xúc quay trở lại với âm hưởng kiêu hùng và mạnh mẽ trong giai điệu bản Piano sonata no.3 op.5 in F minor của Brahms. Tác phẩmbao gồm 5 chương thể hiện những sắc thái đồng điệu và tương phản trong từng giai đoạn.

Chương một vẽ nên một hành trình đồ sộ phía trước bắt đầu với những bước nhảy vô cùng táo bạo, vươn lên cao dần tới đỉnh của những quãng cao trên phím đàn. Âm nhạc thể hiện với một cung cách lớn như một quần thể chứ không chỉ là một cá nhân như khẳng định sự quyết tâm không lùi bước trước những khó khăn và thử thách. Các chủ đề tiếp theo lần lượt được giới thiệu đầy kiêu hãnh và rộng mở, dẫn dắt sang chương hai với những cao trào cảm xúc của tác phẩm cũng và cũng là cả chương trình. Những âm thanh đẹp như trên thiên đường, len lỏi như hơi thở của tình yêu vào mạch đập của từng câu nhạc. Trên nền hoà thanh êm đềm, hai giọng hát trầm và cao âu yếm nhau trong sự hoà quyện tuyệt mĩ của tâm hồn. Chương ba tiếp nối những cao trào của cảm xúc bằng một điệu nhảy và tiếng cười đầy sảng khoái, có chút cao ngạo nhưng cũng đầy vị tha, thúc đẩy và kết nối những tương phản tưởng chừng là không thể cùng tồn tại. Chương bốn bắt vào mạch cảm xúc với những hoài nghi, phân vân le lói nhưng ngay lập tức bị phản đối bởi mô típ bốn nốt ở giọng trầm như truyền tải hoài bão, lòng tin vẫn trước sau như một. Chương năm là một bước ngoặt lớn khi các ý tưởng của của sự thay đổi, thể nghiệm được phác thảo đơn lẻ chưa tìm được cùng “đường lối” thì một chủ đề “dẫn đường” xuất hiện ở giữa và chỉ huy tất cả những phác thảo của các ý tưởng đó để cùng tìm ra sự thống nhất và tiến tới một tầm nhìn cho một tương lai rực sáng. Khúc nhạc kết thúc ở đoạn kết quay trở về giọng trưởng chói sáng huy hoàng.

Trong bản Piano sonata no.3 op.5 in F minor ta thấy sự đấu tranh quyết liệt trong trí óc để tìm ra một âm hưởng nhất quán trong toàn bộ tác phẩm. Khi khúc nhạc kết thúc huy hoàng trong sự vỡ òa của cảm xúc cũng là lúc thanh âm của sự đồng lòng và quyết tâm được phím đàn tấu lên cao vút.

Nghệ sĩ dương cầm Lưu Hồng Quang với sự xúc động của một người con Hà Nội trân trọng đồng hành cùng quý khán giả trong một hành trình âm nhạc thấm đẫm niềm tự hào về dân tộc. Cùng những sáng tác đỉnh cao của Liszt, Schumann và Brahms với vẻ đẹp tuyệt mĩ của âm thanh được thể hiện bằng một nghệ thuật trình diễn piano đỉnh cao, nghệ sĩ dương cầm Lưu Hồng Quang đã dẫn dắt khán giả đi đến tận cùng của những cung bậc cảm xúc lấp lánh nhất. Chương trình hòa nhạc cũng là lời tri ân mà nghệ sĩ dương cầm Lưu Hồng Quang dành cho quê hương, cho những thế hệ cha anh đã hi sinh cuộc đời mình để làm rạng danh Tổ Quốc.

Chương trình hòa nhạc “Hành trình hồi sinh cùng: Liszt, Schumann & Brahms” diễn ra tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam vào 20h ngày 8/10/2024 nhân dịp kỉ niệm 70 năm giải phóng Thủ Đô đã để lại nhiều cảm xúc sâu lắng trong lòng khán giả yêu nhạc.

Biên tập viên Châu Anh.