Cha mẹ, người thầy lớn, người đồng hành ân cần và bền bỉ của nghệ sĩ Lưu Hồng Quang.
Trong khí thế háo hức chào đón kỷ niệm giải phóng Thủ Đô năm ấy, ngày 10/10/1990, một ngày nắng thu trải vàng ấm áp, cậu bé Lưu Hồng Quang cất tiếng khóc chào đời. Đón nhận niềm hạnh phúc lớn lao như một mối thiện duyên của trời đất, cha mẹ trìu mến gọi anh là “chàng trai Hà Nội”. Cũng từ đó, chặng đường của những yêu thương và hạnh phúc với cậu bé Lưu Hồng Quang bắt đầu.
Nhắc đến nghệ sĩ trẻ Lưu Hồng Quang, người ta sẽ nhắc đến chặng đường âm nhạc đầy dấu ấn với những thành tích đáng ngưỡng mộ của anh. Nhưng ở phía sau những thành công ấy, ít ai biết được là những hi sinh thầm lặng và công lao vun đắp ngày đêm không mệt mỏi của hai người thầy đầu tiên trong cuộc đời anh, những người đã tạo nền tảng vững chắc về nhân cách và tri thức để anh tự tin trên con đường sự nghiệp. Đó chính là người cha thân yêu, Phó giáo sư – Tiến sĩ – Nghệ sĩ ưu tú Lưu Quang Minh, nguyên PGĐ Học Viện Âm Nhạc Quốc Gia Việt Nam, và người mẹ nhân hậu của anh, một phụ nữ truyền thống sinh trưởng trong một gia đình có nề nếp gia phong tốt đẹp, doanh nhân Phan Hồng Châu.
Cũng như những bậc làm cha, làm mẹ khác, song thân của nghệ sĩ Lưu Hồng Quang luôn dành cho anh một tình yêu thương không gì so sánh được. Nhưng với họ, cách trao yêu thương không phải là đáp ứng mọi nhu cầu của con mà là rèn luyện con trở thành người có hiểu biết và nhân cách tốt để vẻ vang trong cuộc sống sau này. Đó mới là tài sản quý giá nhất mà người làm cha, làm mẹ có thể để lại cho con cái. Xuất phát từ nền tảng ấy, từ khi còn rất nhỏ, Lưu Hồng Quang đã được gia đình rèn giũa nề nếp rất cẩn trọng. Anh sớm hình hành tính cách tự lập và hiểu biết ngay từ rất nhỏ. Lưu Hồng Quang luôn lấy tấm gương sáng về đối nhân xử thế, sự tâm huyết và tận tụy với nghề của cha làm kim chỉ nam để học tập và noi theo. Ở mẹ, anh được ảnh hưởng bởi một nhân cách chính trực, mạnh mẽ, kết tinh từ tinh hoa truyền thống của một gia đình gốc Hà Thành nề nếp. Ngoài việc dạy con lời ăn tiếng nói, cách cư xử đúng mực, mẹ anh luôn hướng con đến những tình cảm thiêng liêng, cao cả với quê hương, đất nước, luôn nhắc nhở con hướng về nguồn cội: “dù đi đâu, dù đạt những thành tích gì thì luôn phải nhớ con là người Việt Nam."
Bầu trời tuổi thơ của nghệ sĩ Lưu Hồng Quang là những sắc màu lấp lánh khi được trọn vẹn thấm đẫm trong không gian âm nhạc. Người đầu tiên mang những thanh âm đẹp đẽ gieo vào tâm hồn non trẻ của cậu bé Lưu Hồng Quang lúc ấy chính là người cha thân yêu của anh. Hàng đêm, khi tiếng đàn cha dạy học trò vang vọng từ căn gác nhỏ cũng là lúc những âm thanh kỳ diệu, bay bổng thấm dần và nuôi dưỡng tâm hồn trong trẻo của cậu bé, khơi dậy trong cậu những rung cảm hồn nhiên về âm nhạc, để khi chính thức được cha cho chạm tay vào cây đàn, những âm thanh ấy đã trở nên vô cùng thân thuộc và gần gũi.
Phó giáo sư – Tiến sĩ – Nghệ sĩ ưu tú Lưu Quang Minh
Khi Lưu Hồng Quang chính thức bước chân vào con đường âm nhạc chuyên nghiệp, người cha thân yêu cũng chính là người thầy đầu tiên nghiêm khắc rèn luyện cho anh sự kỉ luật và kiên trì trong học tập. Khác với những bộ môn nghệ thuật khác, âm nhạc là bộ môn đòi hỏi sự tập trung cao độ để thể hiện những yêu cầu khắt khe của tác phẩm. Đặc biệt đối với âm nhạc cổ điển, yêu cầu về tốc độ, sắc thái, nhịp phách cần phải tuân thủ một cách chính xác theo những ý tưởng mà tác giả đã lựa chọn và gửi gắm vào tác phẩm ấy. Vì vậy, để tái hiện chân thực vẻ đẹp của một bản nhạc, người nghệ sĩ phải dày công khổ luyện cho đến khi thật nhuần nhuyễn mới thôi. Là một người dày dặn kinh nghiệm và có hiểu biết uyên thâm trong nghề, nghệ sĩ Lưu Quang Minh luôn nhắc nhở con không nên sa vào cái bóng của hào quang và thành tích. Chỉ có khổ luyện và nâng cao năng lực của bản thân, người nghệ sĩ mới vượt qua những giới hạn của chính mình và chinh phục những thử thách phía trước.
Đối với Lưu Hồng Quang, cha anh chính là tấm gương sáng về tinh thần lao động tận tụy và tâm huyết. Anh học được từ ông sự kiên trì và quyết tâm đi đến cùng khi tìm hiểu vẻ đẹp của nghệ thuật. Để tấu lên một nốt nhạc tròn trĩnh, ông phải mất hàng giờ luyện tập. Mỗi khi có thời gian sau những lịch giảng dạy kín mít mỗi ngày, dù chỉ có 15’ nghỉ ngơi, ông cũng tranh thủ cầm cây đàn lên tập luyện. Chính sự kĩ càng và cầu toàn trong nghệ thuật đã khiến những tác phẩm ông trình diễn luôn lấp lánh và đong đầy cảm xúc. Mỗi khi Lưu Hồng Quang đứng trước một cuộc thi quan trọng, cha anh thường khuyên con đừng nên đặt nặng áp lực giành được giải. Bản thân quá trình luyện tập để chuẩn bị cho một cuộc thi đã giúp mình nâng cao năng lực rồi, dù giành được giải hay không thì việc lĩnh hội được những kiến thức quý giá ấy mới là điều quan trọng nhất. Nhờ sự động viên giản dị đó, mỗi khi bước vào một cuộc thi quan trọng, Lưu Hồng Quang luôn giữ được tâm thế tự tin và thoải mái nhất để thăng hoa và cháy hết mình với âm nhạc. Sự ân cần của cha trong anh như ngọn lửa sáng soi đường để không lúc nào anh cảm thấy hoài nghi về con đường mình đã chọn. Cũng có những lúc đứng trước khó khăn tưởng chừng lùi bước, nhưng nghĩ về cha luôn cho anh một nguồn sức mạnh to lớn để tự tin bước tiếp trên con đường phía trước.
Một giờ luyện tập đàn cùng cha
Nếu như sự nghiêm khắc và kỉ luật của người cha đã rèn luyện ở Lưu Hồng Quang một ý chí sắt đá và nền tảng kiến thức vững chắc – yếu tố tiên quyết để thành công, thì mẹ anh, một người phụ nữ truyền thống hết mực yêu thương gia đình lại vun đắp ở anh một nhân cách sâu sắc và đầy nhân văn, chắt lọc từ những tinh hoa mà bà được thừa hưởng từ nề nếp gia đình.
Doanh nhân Phan Hồng Châu là một người phụ nữ “giỏi việc nước đảm việc nhà”. Bà là Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch và Dịch vụ Hy Vọng (Esperantotur), một cánh chim đầu đàn đi tiên phong trong lĩnh vực phòng vé máy bay và dịch vụ du lịch. Khi nhìn những thành tích đạt được của Esperantotur, ai cũng sẽ nghĩ đến chân dung một Tổng Giám Đốc với những lịch trình công việc dày đặc. Nhưng khi gần gũi bà, người ta không khỏi ngạc nhiên khi biết bà dành rất nhiều thời gian cho việc xây dựng nếp nhà, đặc biệt là việc rèn giũa con cái.
Doanh nhân Phan Hồng Châu
Là một phụ nữ sinh trưởng trong một gia đình gốc Hà Thành, từ nhỏ được mẹ dạy nữ công gia chánh và cách đối nhân xử thế, bà là người rất nghiêm khắc, kỷ luật trong việc rèn nề nếp cho con. Với Lưu Hồng Quang, bà luôn uốn nắn cho anh cách sống ngay thẳng, chính trực và mạnh mẽ. Trả lời phỏng vấn khi được trao giải “Hạt Giống Việt” năm 2012, Lưu Hồng Quang chia sẻ như sau khi được hỏi về sáu chữ: “Minh tâm – Hướng thiện – Dưỡng tài” - kim chỉ nam và sách gối đầu giường của những thành viên trong quỹ: “Minh tâm: một tâm hồn sáng trong như gương không vẩn đục, một trí tuệ sáng suốt và bao la để có thể học hỏi và chắt lọc những kiến thức để tự nâng cao tâm hồn. Hướng thiện: Một trái tim cao thượng, quả cảm, thấm nhuần và rực cháy những giá trị đạo đức cao cả, thiêu đốt tất cả những gì nhỏ nhen, đố kị, ganh ghét hay bất cứ một sự xấu xa nào. Dưỡng tài: Sự nỗ lực phi thường, siêng năng, khổ luyện và dùi mài kinh sử, mỗi một ngày là một chặng đường đi mới, mỗi một phút là một sự đấu tranh đi lên không ngừng.” Những suy nghĩ già dặn ấy, Lưu Hồng Quang có được một phần là nhờ sự chỉ dạy kĩ càng của mẹ từ khi anh còn rất nhỏ. Với anh thì “Từ một hạt giống, liệu có thể nảy mầm trở thành những tài năng kiệt xuất hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc tu dưỡng ba phẩm chất nói trên, và trên hết, sự kết hợp hài hòa của cả ba phẩm chất ấy”.
Vậy chất liệu nào có thể làm cho tâm hồn thêm phong phú và giàu có mỗi ngày? Một thói quen mà bà Phan Hồng Châu rất chú trọng và xây dựng cho con từ khi còn nhỏ, đó là thói quen đọc sách. Khi con dành được học bổng danh giá, hành trang bà cho con trước khi ra nước ngoài sinh sống và học tập là bốn cuốn sách. Một cuốn sách dạy tâm và tài, một cuốn cao dao tục ngữ Việt Nam, hai cuốn về triết học và nhân sinh quan cuộc sống, văn hóa Châu Á. Bà thường dặn con phải thường xuyên đọc sách để làm giàu cho tâm hồn và trở thành người có hiểu biết, “đừng màu mè như bát bún riêu, khi vớt hết váng ở trên chỉ là bát canh bình thường. Bát bún riêu ngon ở chất lượng nước dùng, chỉ cần húp một miếng đã thấy không thể nào quên, phải nhớ đời mới giá trị."
Khi đã thành danh, bà Phan Hồng Châu không quên nhắc nhở con, dù đi đâu, đạt được thành tích gì thì luôn phải nhớ về nguồn cội, luôn phải khắc sâu trong tim sứ mệnh phụng sự quê hương và Tổ Quốc. Vì thế, hành trình âm nhạc của Lưu Hồng Quang không đơn thuần là một cuộc hành trình về chuyên môn. Anh luôn lồng ghép nó với sứ mệnh lan tỏa tình yêu âm nhạc, đặc biệt là âm nhạc cổ điển với công chúng quê nhà. Một mặt là một giảng viên đang giảng dạy tại nước ngoài, anh luôn nỗ lực học tập, nghiên cứu để nâng cao hiểu biết, một mặt anh vẫn tích cực duy trì việc truyền bá âm nhạc cổ điển tại Việt Nam qua rất nhiều hoạt động biểu diễn ở quê nhà. Anh cũng tích cực xây dựng những mối quan hệ và hợp tác với rất nhiều những tổ chức khác nhau có cùng hoài bão như mình để có thể cùng chung sức đem âm nhạc cổ điển đến cho thật nhiều khán giả Việt Nam.
Cha mẹ - người đồng hành ân cần và bền bỉ
Bên cạnh những cống hiến về âm nhạc, bà Phan Hồng Châu còn dạy con phải biết yêu thương, từ ái, biết san sẻ khó khăn với những người kém may mắn hơn mình. Vừa giảng giải đạo lý “lá lành đùm lá rách”, bà vừa đi đôi với hành động thực tế. Bà thường là người đứng ra kêu gọi tài trợ cho những chương trình biểu diễn của Lưu Hồng Quang tại quê nhà. Tiền vé bán được bà mang đi đóng góp cho những chương trình từ thiện. Buổi hòa nhạc Evolution năm 2018 của Lưu Hồng Quang là một trong những sự kiện như vậy khi số tổng số tiền lãi 90 triệu đồng của chương trình bà không cho con xu nào mà đem tặng các nhân vật kém may mắn của chương trình “Cặp lá yêu thương”. Đó là cách làm thiết thực nhất bà muốn lan tỏa yêu thương và dạy con một cách thấm thía về trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.
Không chỉ bên cạnh con về mặt tinh thần, Phó giáo sư -Tiến sĩ – Nghệ sĩ ưu tú Lưu Quang Minh và doanh nhân Phan Hồng Châu còn đồng hành với con trong những dấu mốc quan trọng của sự nghiệp và cuộc sống. Cha anh, người cố vấn nghệ thuật luôn sát cánh bên cạnh con trong những cuộc thi Piano trong nước và quốc tế. Mẹ anh, một bộ óc tổ chức tài ba luôn chuẩn bị chu đáo nhất cho những sự kiện biểu diễn của anh tại quê nhà. Cha và mẹ cũng luôn là những người đồng hành tận tụy với anh trong những chuyến lưu diễn dài ngày tới những miền đất xa xôi trên thế giới.
Trong những ngày mùa thu ấm áp này, gia đình và người thân nghệ sĩ Lưu Hồng Quang lại đang sống trong bầu không khí háo hức, chờ đón một ngày rất đặc biệt, ngày mà mọi người sẽ cất tiếng gọi “chàng trai Hà Nội”. Dù ở đâu, trong hành trang của chàng trai ấy sẽ vẫn đong đầy những kiến thức vô giá mà cha và mẹ anh đã dành tất cả yêu thương để gửi gắm, để từ đó anh đúc kết cho mình những giá trị và lý tưởng sống cho cuộc đời. Dù đi đâu thì ngọn lửa yêu thương của hai người thầy lớn ấy sẽ luôn bền bỉ soi sáng, là nguồn động lực lớn lao để anh cháy hết mình với đam mê nghệ thuật.
BTV Châu Anh