Nghệ sĩ Lưu Hồng Quang và chặng đường vinh quang cùng âm nhạc
Thuở còn thơ, khi tiếng đàn của người cha dạy học trò hàng đêm vang lên trên căn gác nhỏ, cũng là lúc tâm hồn non trẻ của cậu bé Lưu Hồng Quang đã bắt đầu rung động và đón nhận những âm thanh đẹp đẽ ấy. Những nốt nhạc trong sáng ngày ngày nuôi dưỡng trong tâm hồn cậu một tình yêu tự nhiên và vô điều kiện, để khi được cha chính thức cho chạm tay vào cây đàn, những âm thanh ấy đã trở nên vô cùng gần gũi.
Nghệ sĩ Lưu Hồng Quang sinh trưởng trong một gia đình nề nếp và có truyền thống giáo dục qua nhiều thế hệ. Cha anh là Phó giáo sư – Tiến sĩ – Nghệ sĩ ưu tú Lưu Quang Minh, nguyên PGĐ Học viện Âm nhạc Quốc Gia Việt Nam, người có uy tín và dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực giảng dạy và biểu diễn đàn Accordion và nhạc Jazz tại Việt Nam. Mẹ anh là doanh nhân Phan Hồng Châu, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch và Dịch vụ Hy Vọng (Esperantotur), là người phụ nữ gốc Hà Thành được thừa hưởng những tinh hoa văn hóa của mảnh đất văn hiến từ truyền thống giáo dục của gia đình. Sinh trưởng trong một gia đình nề nếp, được rèn giũa và uốn nắn từ nhỏ, cậu bé Lưu Hồng Quang luôn ý thức nỗ lực rèn luyện, trau dồi về hiểu biết và phẩm cách để xứng đáng với truyền thống gia đình.
Những nốt nhạc đầu tiên được chắp cánh bởi người cha thân yêu, con đường âm nhạc chuyên nghiệp của nghệ sĩ Lưu Hồng Quang cũng được bắt đầu rất sớm. Năm 1996, Lưu Hồng Quang thi đỗ vào khoa piano của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và đã theo học trong lớp của Giáo sư – Tiến sĩ – Nhà giáo nhân dân Trần Thu Hà. Dưới sự dìu dắt và chỉ bảo của người thầy tận tâm, kĩ thuật chơi đàn của Lưu Hồng Quang ngày càng hoàn thiện. Những nốt nhạc của anh ngày càng bay bổng và trở nên có hồn hơn. Tự đặt ra cho mình những đòi hỏi khắt khe, Lưu Hồng Quang bằng sự nỗ lực đã từng bước vượt qua những giới hạn mới của chính bản thân mình.
Nghệ sĩ Lưu Hồng Quang ngày thơ ấu
Khác với những bộ môn nghệ thuật khác, âm nhạc là môn học đòi hỏi sự kiên trì, kỉ luật và tập trung cao độ. Sự tiến bộ không thể nhìn thấy ngay, mà nó cần sự khổ luyện hàng ngày, hàng tháng, hàng năm, thậm chí là cả chục năm. Ngoài sự tập luyện, người nghệ sĩ phải luôn tự học hỏi để trau dồi thêm những kiến thức mới. Ý thức được chặng đường gian khó đó, Lưu Hồng Quang chưa có giây phút nào nản lòng và chùn bước. Năm 2006, khi chưa tròn 16 tuổi, anh đã vinh dự đoạt giải thưởng đặc biệt của cuộc thi quốc tế Chopin Châu Á tại Nhật Bản là minh chứng cho những cố gắng không mệt mỏi của nghệ sĩ trẻ. Khi được hỏi về những khó khăn trên con đường âm nhạc, cậu bé Lưu Hồng Quang khi đó mới 16 tuổi đã chia sẻ “Mỗi tác phẩm có nhiều chi tiết khó khác nhau, mà làm nghệ thuật thì không ai giống ai được, nhưng chí ít mình cũng phải hoàn thành về cơ bản, sau đó mới nghĩ đến việc thể hiện như thế nào. Điều quan trọng nhất là mình phải giữ vững được bản lĩnh, thực lực của mình. Lúc tập có chơi hay đến thế nào đi chăng nữa mà khi thi mất tinh thần thì cũng hỏng”. Giữ được bản lĩnh, đó cũng chính là kim chỉ nam để nghệ sĩ trẻ Lưu Hồng Quang luôn vững vàng trên con đường của mình.
Ở tuổi 17, khi chúng bạn còn đứng trước những cánh cửa và lựa chọn tương lai cho mình thì Lưu Hồng Quang đã bắt đầu bước chân vào con đường du học. Năm 2007, anh nhận học bổng toàn phần của Nhạc viện Quốc tế Úc, chính thức lựa chọn con đường rèn luyện chông gai và đầy thử thách. Xa nhà, phải tự lập từ bữa ăn, giấc ngủ, nhưng chàng trai trẻ lúc nào cũng ấp ủ trong mình khát khao khám phá những kiến thức âm nhạc mới để được thỏa mãn mơ ước cháy bỏng của mình. Cùng với những vốn liếng đã trau dồi trong thời gian học tập ở quê nhà, trình độ của người nghệ sĩ trẻ ngày càng trở nên điêu luyện và thăng hoa dưới sự dìu dắt của Giáo sư Kyunghee Lee tại Nhạc viện Quốc tế Australia. Cũng trong thời gian này, Lưu Hồng Quang bắt đầu gặt hái những giải thưởng danh giá trong các cuộc thi piano tại Úc như: giải Nhất các cuộc thi piano do Sydney Eisteddfod tổ chức bao gồm: giải Kawai Piano Award, Giải Chopin Piano Award, Giải 19th Century Piano Award, Giải Piano Recital Award; Giải Nhất cuộc thi Lev Vlassenko toàn Châu Úc dành cho lứa tuổi từ 16-30 (kèm theo 4 giải phụ). Trong thời gian này, anh cũng vinh dự được tham gia biểu diễn cùng nhiều dàn nhạc có tên tuổi như Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội, Giàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam, Dàn nhạc từ Florence (Italy), Dàn nhạc Giao hưởng Qeensland (Úc), Dàn nhạc Giao hưởng KOZY, Dàn nhạc Metropolitan (Sydney), Dàn nhạc Giao hưởng Vũ Hán (Trung Quốc). Năm 2012 anh tốt nghiệp loại xuất sắc bậc Đại học tại Nhạc viện quốc tế Australia. 10 năm tự lập rèn luyện tại xứ sở xa xôi cũng là quãng thời gian mà không ít những giọt mồ hôi và nước mắt đã đổ xuống.
Càng học lên và càng dành thời gian tìm hiểu, Lưu Hồng Quang càng thấm thía âm nhạc không chỉ là một phương thức biểu hiện mà nó còn là nơi lưu giữ những giá trị thẩm mĩ, lịch sử và tư tưởng lớn lao của nhân loại. Đôi bàn tay của người nghệ sĩ chính là công cụ để truyền những tư tưởng to lớn ấy đến với rộng rãi công chúng. Càng hiểu và ý thức được sứ mệnh cao cả ấy, Lưu Hồng Quang càng hăng say lao mình vào học tập. Anh say sưa tìm tòi những cái mới trong thế giới âm nhạc. Có những buổi tập mải miết quên cả giờ ăn, có buổi tập đến tận khuya mà vẫn chưa như ý, anh lại mở cây đàn piano điện, vặn nhỏ tiếng để không làm phiền xung quanh, tập đi tập lại đến khi nhuần nhuyễn những kỹ thuật khó. Trước khi trình diễn một tác phẩm, Lưu Hồng Quang cũng luôn giữ thói quen dành thời gian tìm hiểu thật kĩ lưỡng về tác phẩm đó. Chỉ khi hiểu được nội dung, tâm trạng mà tác giả muốn truyền đạt qua tác phẩm là gì thì tiếng đàn vang lên mới có cảm xúc và tình người. Đối với anh, từng nốt nhạc là thể hiện sự tôn trọng và tấm lòng của người nghệ sĩ với khán giả, nên người nghệ sĩ phải hoàn thiện nó ở mức độ tốt nhất.
Nghệ sĩ Lưu Hồng Quang biểu diễn tại Queensland, Australia
Năm 2014, Lưu Hồng Quang bước tiếp trên con đường học tập của mình khi theo học bậc cao học biểu diễn tại ĐH Montreal, Canada dưới sự dìu dắt của Giáo sư – Nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn. Cùng có sự đồng điệu tâm hồn khi luôn lấy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam là gốc, ở người thầy lớn của mình, Lưu Hồng Quang đã lĩnh hội được nhiều kiến thức quý giá. Khi nhắc về học trò, Giáo sư – Nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn cũng dành những ưu ái khi nhận xét về anh: “Lưu Hồng Quang là môt nghệ sỹ Piano chuyên nghiệp ở trình độ cao và tôi rất ấn tượng với khả năng trình diễn của anh ấy. Lưu Hồng Quang đã thể hiện sự sáng tạo âm nhạc tuyệt vời, khả năng kiểm soát và trình diễn hấp dẫn trên sân khấu.”
Trên chặng đường âm nhạc với những nỗ lực không mệt mỏi, nghệ sĩ Lưu Hồng Quang đã vinh dự đạt được rất nhiều giải thưởng danh giá: Giải Ba cuộc thi Piano Quốc tế Valtidone - Italy 2006; Giải Đặc biệt cuộc thi Piano Quốc tế Chopin – Châu Á tại Tokyo lần thứ 4 năm 2006; Giải Nhất cuộc thi Recital Award – Australia – 2008; Giải Nhì cuộc thi Piano Quốc Tế Valtidone (Italy) – 6/2008; Giải Nhất cuộc thi Chopin – Sydney – 2009; Giải Ba cuộc thi Piano Quốc tế lần 1 tại Hà Nội (Việt Nam) – 9/2010; Giải Nhất cuộc thi Piano thế kỷ 19 – Sydney – 2010; Giải Ba cuộc thi Piano thế kỷ 20 và 21 – 2010 Australia; Giải Ba cuộc thi Russian Piano – 2010 Australia; Giải Nhất cùng 4 giải phụ cuộc thi Piano Lev Vlassenko lần thứ 7 - năm 2011; Giải Nhì cuộc thi Quốc tế Euregio Piano Award năm 2015; Giải Nhì cuộc thi Piano Quốc tế Cita Di Oleggio - Italy 2018. Với Lưu Hồng Quang, những giải thưởng ấy là nguồn khích lệ tinh thần to lớn, nhưng phần thưởng lớn nhất đối anh vẫn là được sống trong âm nhạc, được chìm đắm trong vẻ đẹp của âm thanh và được đem sức lực của mình mang niềm vui đến cho cuộc đời.
Âm nhạc cũng là nơi mà nghệ sĩ Lưu Hồng Quang thể hiện những say mê và hoài bão của mình. Đối với anh, vượt qua những giới hạn trong khả năng của mình là trách nhiệm để người nghệ sĩ thể hiện tốt hơn những thông điệp sâu sắc trong tác phẩm, để mang đến cảm xúc chân thực nhất tới công chúng, để nối dài sợi dây kết nối qua nhiều thế hệ. Giờ đây, với vai trò là giảng viên âm nhạc tại Học viện Âm nhạc và Biểu diễn Nghệ thuật Úc, anh lại dốc lòng đem những nhiệt thành đó truyền lại cho lớp học trò của mình, để sứ mệnh của âm nhạc mà anh luôn đau đáu được gìn giữ và tiếp nối.
Kỷ niệm của Lưu Hồng Quang tại quê nhà sau chặng đường 10 năm du học
Trên mọi chặng đường của âm nhạc, gia đình luôn là hậu phương vững chắc và chốn bình yên đi về của nghệ sĩ Lưu Hồng Quang sau những tháng ngày học tập căng thẳng. Sự chỉ dạy của những người thầy lớn đã mang đến cho anh những vốn liếng tri thức quý giá mà anh luôn trân trọng, nâng niu bên mình. Âm nhạc đã cho anh những giây phút thăng hoa, những trải nghiệm đẹp trong những hành trình lưu diễn khắp mọi miền thế giới, những cơ hội gặp gỡ những người thầy, người bạn. Chừng ấy sự khích lệ đã khiến anh có nhiều động lực hơn để chinh phục những thử thách sắp tới, để được cống hiến ngày càng nhiều hơn cho âm nhạc. Đó cũng là cách mà anh thể hiện tình yêu chân thành nhất với cuộc đời.
BTV Châu Anh