Báo chí

Nghệ sĩ piano Lưu Hồng Quang: Nếu chơi đàn chỉ vì danh tiếng sẽ rất áp lực

Nhiều khi tôi tự hỏi bản thân khi chơi đàn, vinh quang là gì, thất bại là gì, như thế nào mới là vinh quang. Đó là các giải thưởng ư, sự nổi tiếng ư hay là tiếng vỗ tay của khán giả... Có lẽ đó chỉ là bề nổi thôi và khi bạn dành quá nhiều thời gian, công sức suy nghĩ đến những điều đó thì làm sao còn năng lượng để tập trung vào chính âm nhạc nữa...

"Nhiều khi tôi tự hỏi bản thân khi chơi đàn, vinh quang là gì, thất bại là gì, như thế nào mới là vinh quang. Đó là các giải thưởng ư, sự nổi tiếng ư hay là tiếng vỗ tay của khán giả... Có lẽ đó chỉ là bề nổi thôi và khi bạn dành quá nhiều thời gian, công sức suy nghĩ đến những điều đó thì làm sao còn năng lượng để tập trung vào chính âm nhạc nữa?" - Nghệ sĩ Lưu Hồng Quang chia sẻ nhân dịp anh về nước chuẩn bị cho concert riêng tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày 3-10 tới.

- Khá lâu rồi Lưu Hồng Quang mới trở về biểu diễn ở Hà Nội. Anh có thể chia sẻ về đêm nhạc sắp tới?

+ Gần 2 năm tôi mới trở về trong một concert riêng. Mỗi lần về nước biểu diễn, tôi có rất nhiều cảm xúc. Quê hương là nơi truyền cho tôi một cảm hứng vô tận để lao động nghệ thuật, mang âm nhạc cổ điển đến với khán giả Việt Nam một cách chân thành, trực tiếp nhất qua từng nốt nhạc. 

Buổi diễn sắp tới có tựa đề "Évolution", sẽ là một hành trình kỳ diệu của những âm thanh. Trong đó người nghe sẽ cảm nhận được sự biến chuyển đặc sắc của ngôn ngữ qua các hình tượng âm nhạc xuyên suốt từ thế kỷ 18 đến cuối thế kỷ 20 với các tác phẩm kinh điển của Beethoven, Tchaikovsky, Scriabine, Ravel, Liszt và đặc biệt có chùm 5 Bagatelles của tác giả đương đại Carl Vine người Úc lần đầu tiên được trình diễn trọn bộ tại Việt Nam.

Đây cũng là lần đầu tiên tôi biểu diễn một chương trình trong chuỗi series concert của Maestoso cùng sự đồng hành của nhà tài trợ EVA Airways, số tiền bán vé sẽ tài trợ cho chương trình "Cặp lá yêu thương", được VTV24 phát động giúp các trẻ em nghèo được đi học.

- Đây cũng là một trong chuỗi chương trình mà nhóm nghệ sĩ trẻ Maestoso đang nỗ lực tổ chức để đưa nhạc cổ điển đến gần với công chúng. Hành trình đó có những tín hiệu khả quan không?

+ Maestoso tuy mới thành lập và hoạt động chưa đến một năm nhưng đã cho ra mắt một số lượng các buổi biểu diễn đều đặn và đa dạng tới công chúng. Tôi tin Maestoso sẽ còn đi xa, vì bên cạnh số lượng, phần chất lượng cũng luôn đảm bảo sự chuyên nghiệp từ sự tham gia của những nghệ sĩ tài năng cùng những dự án âm nhạc ý nghĩa. Có lẽ ở Việt Nam cần nhiều hơn những chương trình như thế để khán giả có cơ hội tiếp cận với âm nhạc cổ điển và nâng cao thẩm mỹ âm nhạc cho họ.

- Dù giảng dạy ở nước ngoài nhưng mỗi năm anh đều dành thời gian trở về Việt Nam biểu diễn, tham gia các khóa đào tạo ngắn. Điều gì thôi thúc anh trở về?

+ Là một người Việt Nam, điều tôi mong muốn cũng rất giản dị, đó là được mang tiếng đàn và những kinh nghiệm, bài học tinh tuý học được trong thế giới âm nhạc cổ điển bao la và rộng lớn để chia sẻ và truyền cảm hứng cho khán giả và thế hệ trẻ nước nhà. 

Mặc dù không về nước thường xuyên nhưng tôi luôn cố gắng cho đi những gì tinh tuý nhất mình có bằng âm nhạc, hy vọng góp phần thắp lên được ngọn lửa đam mê trong trái tim của nhiều công chúng và các tài năng trẻ Việt Nam.

- Con đường trở thành một nghệ sĩ piano đẳng cấp thế giới không dễ dàng. Tôi nhớ mẹ anh từng chia sẻ rằng, Lưu Hồng Quang đã trải qua hàng trăm cuộc thi lớn nhỏ trên thế giới, chịu rất nhiều áp lực. Vì sao anh vượt qua được những áp lực đó để trở thành một người chơi đàn hạnh phúc?

+ Nếu tôi nghĩ rằng danh tiếng hay thành tích là mục đích duy nhất thì có lẽ tôi sẽ vô cùng căng thẳng, áp lực. Bởi lẽ thế giới có vô vàn các tài năng, bạn có thể thắng một cuộc thi nhưng sau đó mấy năm, sẽ lại có người khác, trẻ hơn và nhiều hứa hẹn hơn, chưa kể sự nổi tiếng hiện nay không đơn thuần là đi đôi với tài năng mà còn phụ thuộc cả vào những yếu tố thương mại nữa. 

Nếu thực sự bạn muốn nổi tiếng, thực ra những việc cần làm lại không phải là ngồi tập luyện hay nghiên cứu âm nhạc mà là đi gặp các ông bầu, đi dự các sự kiện, thiết lập các mối quan hệ, yêu cầu các kỹ năng xã giao giỏi, chăm chút ngoại hình, hình ảnh... quá nhiều thứ để khiến bạn quên đi cái cốt lõi của âm nhạc.

- Vậy điều Lưu Hồng Quang hướng tới là gì?

+ Những nhân tố mà tôi vừa nói ở trên có thể là một sự kích thích, động viên cho việc mình làm nhưng nó tuyệt nhiên không phải là cái đích cuối cùng. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi chơi đàn vì tôi cũng đã phải tham gia rất nhiều các cuộc thi và các buổi biểu diễn mà không phải lúc nào cũng thành công theo ý mình. 

Có những lúc tôi thất bại. Nhưng tôi nhận ra tôi vẫn yêu âm nhạc một cách lạ kì. Tôi không thể sống thiếu âm nhạc và tôi vẫn muốn chơi tất cả các tác phẩm mình muốn một cách vô điều kiện. Tôi yêu thế giới âm thanh đã dựng lên trong tôi một niềm tin và sự ngưỡng mộ rằng, đó, sự sâu sắc, nhân văn, cái đẹp và cả sự đấu tranh trong âm nhạc cổ điển vĩ đại như vậy đó. 

Nếu bạn không cảm nhận âm nhạc một cách sâu sắc mà lại dùng âm nhạc như một công cụ giúp mình thành ngôi sao thì bạn đang bỏ lỡ một kho tàng quí báu giúp bạn hiểu rõ tâm hồn  mình hơn.

- Sau những tiếng cuôc thi, sau những trải nghiệm sâu sắc đó và bây giờ đang là giảng viên trẻ ở một trường đại học danh ở Úc, hành trình tiếp theo của Lưu Hồng Quang sẽ là gì?

+ Tôi cảm thấy mình vẫn còn cần trau dồi và học hỏi rất nhiều, sắp tới tôi có được nhận học bổng để tham gia festival piano quốc tế dưới sự chỉ dẫn của giáo sư Robert Mc Donald, người Mỹ. Ông là một trong những nhà sư phạm uy tín nhất tại Mỹ và trên thế giới và tôi đang rất mong chờ đến tháng 1 để được học với ông.

- Anh từng chia sẻ với tôi về mong muốn giảng dạy và truyền tình yêu âm nhạc cổ điển cho thế hệ trẻ. Đến bây giờ anh đã thực hiện được dự án của mình chưa?

 + Tôi vẫn đang làm công việc của mình với một niềm vui vô tận. Hiện tại, tuy chưa có dự án sẽ dạy tại Việt Nam nhưng tôi đang phát triển dần dần tại Sydney, nơi tôi sống và làm việc. Từ đây sẽ nảy ra các kinh nghiệm cần thiết cho các dự án lớn hơn. 

Hiện nay, tại Học viện Âm nhạc Úc đã có một sinh viên Việt Nam sang theo học dưới sự chỉ dẫn của tôi, ngoài ra hằng năm tôi vẫn về dạy tại trại hè âm nhạc ở TP Hồ Chí Minh. Gần đây, một số học sinh nhỏ tuổi của tôi bắt đầu có thành tích tại một số các cuộc thi cỡ nhỏ ở Sydney, trong đó có một em đã về tham gia trại hè TP Hồ Chí Minh năm nay và đạt điểm xếp hạng cao nhất. 

Năm nay tôi cũng thêm được vào danh sách các giải thưởng - giải nhì của cuộc thi Oleggio Piano Award, đồng thời tôi đã được mời chấm một cuộc thi cho lứa tuổi trẻ tại Úc do hãng đàn uy tín Sauter của Đức tổ chức tại Sydney và Melbourne.

- Anh và em trai Lưu Đức Anh đều là những nghệ sĩ piano nổi tiếng nhưng đang đi trên những con đường khác nhau. Có bao giờ anh bị áp lực, hay so sánh với em trai mình? Và hai anh em sẽ gặp nhau ở đâu trên con đường chông gai đó?

 + Em trai của tôi hiện cũng đã trưởng thành và đang từng bước phát triển trên con đường sự nghiệp của mình. Nhưng mỗi người lựa chọn một hướng đi khác nhau. Hai anh em đã từng phối hợp ăn ý với nhau biểu diễn chung trên sân khấu ở Âu châu, rất có thể trong tương lai gần sẽ là tại sân khấu nước nhà...

- Cảm ơn những chia sẻ của anh.

Tiếp nối thành công của chuỗi hòa nhạc Nhà thờ Cathedral Concert và chương trình độc tấu Piano Series, chương trình Piano Series No.3 - ÉVOLUTION sẽ được tổ chức với nghệ sĩ khách mời Lưu Hồng Quang. Đây là hoạt động thường niên của nhóm Maestoso gồm những nghệ sĩ trẻ du học ở nước ngoài về với nỗ lực đưa âm nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng.

 Chương trình đánh dấu sự trở lại của nghệ sĩ Lưu Hồng Quang trên sân khấu nước nhà sau hơn 2 năm vắng bóng. Lưu Hồng Quang là con trai của NSƯT Lưu Quang Minh, Anh đã giành được nhiều giải thưởng piano danh giá quốc tế, có thể kể đến như Giải Đặc biệt Piano Chopin Quốc tế châu Á năm 2006, giải Nhất cuộc thi Lev Vlassenko toàn châu Úc năm 2011, giải Nhì Euregio Piano Award tại Đức năm 2015… hiện anh đang là giảng viên trẻ tuổi nhất tại Học viện Âm nhạc và Biểu diễn Nghệ thuật Úc (AMPA).