Vẻ đẹp lộng lẫy trong bản thu âm tác phẩm Liszt của nghệ sĩ Lưu Hồng Quang trên đĩa Rattle Records
Nghệ sĩ dương cầm người Việt - Lưu Hồng Quang hiện (2024) đang sinh sống tại Wellington để theo học chương trình tiến sĩ âm nhạc dưới sự dẫn dắt của Giáo sư Jian Liu tại khoa Âm Nhạc trường Đại học Victoria. Đây là cơ hội học tập ở một đất nước xa xôi nơi mà nghệ sĩ Lưu Hồng Quang thử thách chính bản thân mình trong thế giới piano rộng lớn, và Quang đã hiện thực hóa nỗ lực của mình qua việc ra mắt ấn phẩm mới cùng hãng Rattle Records giới thiệu về một trong những tác phẩm chứa đựng sự thử thách khủng khiếp nhất trong số những sáng tác piano, tuyệt phẩm “Etudes d’execution transcendante” của Franz Liszt. Quang đã thực hiện bản thu âm này bằng tất cả sự rung động tại chính nơi mà Liszt đã sinh ra tại Raiding, Áo (Trước kia được biết tới là Doborján từng thuộc Hungary tại thời điểm Liszt chào đời). Ngày ghi âm chính xác không được công bố, mặc dù vậy nghệ sĩ có kể trong một tài liệu nhỏ ghi lại cảm nhận về hành trình “hành hương” trong khoảng 18 tháng tập luyện để thành thục tác phẩm, đỉnh cao là buổi công diễn ra mắt anh trình diễn toàn bộ tác phẩm vào tháng 12 năm 2022 tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tại Hà Nội (Tôi đã từng liên lạc với nghệ sĩ Lưu Hồng Quang và biết được rằng bản ghi âm bộ tuyệt phẩm được thực hiện vào tháng 7 năm 2023).
Nghệ sĩ dương cầm Lưu Hồng Quang
Nguồn gốc bộ Etudes của Liszt được biết đến rộng rãi, bắt nguồn từ mười hai bản nghiên cứu (Étude en douze exercices) mà ông viết lần đầu vào năm 1826 khi ông mới 16 tuổi, sau đó ông phát triển chúng vào năm 1837 (Douze Grandes Études) sau khi bị mê hoặc bởi phần trình diễn của nghệ sĩ Paganini, ông quyết tâm bắt chước thực hiện trên cây đàn piano những gì mà nghệ sĩ vĩ cầm huyền thoại đã làm được trên cây violin của ông ấy. Vào những năm 1950, sau khi đã từ bỏ sự nghiệp biểu diễn của một nghệ sĩ dương cầm điêu luyện, Liszt quyết tâm mang kỹ thuật trình diễn vượt trội trong giai đoạn sự nghiệp trẻ tuổi của mình để tiếp nối và “đơn giản hóa” các bản nghiên cứu (chỉ có bản “Mazeppa” được coi là khó hơn trong bản chỉnh sửa năm 1852), nhấn mạnh vào tính thơ và sự hùng vĩ, nhìn chung là “giảm nhẹ” tính chất ảo thuật vượt trội trong bộ tác phẩm. Trong khi những cây đàn Erard nhẹ nhàng của những năm 1830 khiến cho những phiên bản trước đó của tác phẩm có thể dễ dàng kiểm soát hơn, thì những chuyển động nặng nề của cây đàn dương cầm mới từ Nga và Vienna đang phổ biến lúc bấy giờ đã khiến cho những đoạn trong bộ Etudes năm 1837 trở nên bất khả thi với tất cả mọi người trừ đôi bàn tay kỳ diệu của Liszt.
Bộ tác phẩm Transcendental Etudes của Liszt
Mặc dù vậy, trong nhiều năm, những tác phẩm này vẫn được coi là đặc quyền dành cho những “nghệ sĩ siêu sao”, và phải đến tháng 2 năm 1903 mới có buổi trình diễn ra mắt được ghi chép lại lần đầu tiên với tư cách là một bộ tác phẩm hoàn chỉnh từ nghệ sĩ huyền thoại Ferruccio Busoni tại nhà hát Berlin Beethoven-Saal. Việc truyền tải toàn bộ tác phẩm rất hiếm hoi trong những chương trình hòa nhạc và cả trên đĩa nhạc thu âm trong giai đoạn giữa cho đến những năm 1960 – những nghệ sĩ tiêu biểu như Egon Petri (1927), Jose Iturbi (1930), Jean Doyen (1943) and Earl Wild (1957) đã biểu diễn những buổi hòa nhạc – nhưng bản thu âm hoàn chỉnh đầu tiên chưa được thực hiện cho đến năm 1956 khi nghệ sĩ dương cầm người Nga Alexander Borovsky thu âm tác phẩm cho Vox, tiếp nối sau đó là Gyorgy Cziffra vào năm 1958 và Lazar Berman vào năm 1959. Rất ngẫu nhiên (và đáng ngạc nhiên) là tôi chỉ tìm thấy buổi hòa nhạc duy nhất trong chu kỳ này được ghi lại ở New Zealand, do nghệ sĩ dương cầm người Mỹ Kyrill Gerstein trình diễn tại Auckland vào năm 2015.
Đến năm 2024 dường như một cuộc “cách mạng tuyệt vời” đã diễn ra trong thế giới nghệ thuật bộ môn piano của thiên niên kỷ, gần 50 phiên bản bộ tác phẩm Transcendental Etudes là con số hiện có mà tôi đã thống kê được trong số những bản ghi âm được liệt kê trên trang website uy tín “Presto Classical”. Và bây giờ, thêm vào con số đó sẽ là đĩa nhạc được nghệ sĩ dương cầm Lưu Hồng Quang trình diễn một cách điêu luyện và tỏa sáng, được sản xuất và thu âm bởi Paul Carasco và được thiết kế một cách chuẩn mực và tao nhã bởi Steve Garden’s Rattle Records với sự hỗ trợ của Giáo sư Jack Richards.
Nghệ sĩ dương cầm Lưu Hồng Quang
Tôi sẽ không so sánh trực tiếp bản thu âm của Quang với bất kỳ “nghệ sĩ siêu sao” nào hiện nay cả, thay vào đó hãy để cho những cảm nhận của tôi cộng hưởng trong thế giới âm thanh của riêng mình về những ký ức và cảm xúc từ những trải nghiệm đầu tiên khi được đón nhận tác phẩm này. Điều này đã diễn ra theo cách mà bản thu âm được ghi lại trong năm 1852 do Louis Kentner, Lazar Berman và Claudio Arrau thực hiện và đã trở thành bản thu âm kinh điển (tôi cũng đã từng nghe một đĩa độc tấu của Vladimir Ashkenazy vào thời điểm này, mặc dù, thật đáng buồn, chúng chỉ là những trích đoạn riêng lẻ). Đó là những màn trình diễn mà lần đầu tiên tôi được nghe và ngay từ lần đầu tiên nghe bản “Harmonies du soir” trên đĩa Ashkenazy duy nhất đó tôi đã bị cuốn vào thế giới âm thanh của tác phẩm mà tôi cho là một trong những thành tựu sáng tạo đáng kinh ngạc nhất của nhà soạn nhạc. Dưới góc nhìn về ba màn trình diễn tuyệt vời đó, mặc dù rất khác nhau như đã đề cập ở trên, màn trình diễn của Quang gợi nhớ nhiều đến những ấn tượng thời trẻ của tôi về thể loại âm nhạc này khi chúng vô cùng tươi mới với đôi tai tôi - ở góc độ bên ngoài chúng rất giống với cách trình diễn của Louis Kentner ở chỗ chúng dường như chỉ quan tâm đến “bản chất bên trong” của từng tác phẩm hơn là sự thể hiện ra bên ngoài của bất cứ điều gì. Điều đó không có nghĩa là Lazar Berman, Claudio Arrau hay Vladimir Ashkenazy, tất cả đã đề cao kỹ thuật trình diễn điêu luyện lên trên cảm xúc thơ ca trong cách thể hiện của họ, mà nói đúng hơn là Quang, giống như Kentner, dường như vô thức đã hòa quyện yếu tố “wow” trong âm nhạc với yếu tố thơ ca của nó, để liên tục thu hút sự chú ý vào quan điểm của tác phẩm hơn là hình thức thể hiện của những tác phẩm ấy.
Theo cách đó, tác phẩm mở màn “Preludio” với mục đích thu hút sự chú ý của người nghe ngay từ đầu, đã thể hiện sự kết hợp rất Liszt giữa sự xuất sắc, dí dỏm, kỳ quặc và sự khéo léo hài hòa đầy ý tứ, Quang đã truyền tải được những mong đợi của nhà soạn nhạc cũng như tác phẩm âm nhạc của ông ấy gói gọn trong một đoạn tóm tắt đầy tính hành động. Mặc dù mỗi tác phẩm đều có tiêu đề riêng mô tả khúc nhạc, nhưng chúng ta sau đó đã bị cuốn thẳng vào một trong hai tác phẩm mà Liszt đã chỉ đặt tên theo khóa nhạc, trong trường hợp này là La thứ, có phần mở đầu nhịp nhàng tương tự như bản giao hưởng Đô thứ nổi tiếng của Beethoven, nhưng tính chất bồn chồn, kỳ quặc của nó gợi tả một tinh thần có tính ép buộc kỳ quái – cách thể hiện của Quang gợi ra sự tham chiếu của anh ấy trong những nốt nhạc của chính Paganini.
Nghệ sĩ dương cầm Lưu Hồng Quang trình diễn lần đầu tiên tuyệt phẩm
Transcendental Etudes của Liszt tại Hà Nội
Mọi thứ thật lắng đọng với khúc “Paysage” tuyệt đẹp, một quang cảnh được tưởng tượng ra ở ngay đây, dường như đến “từ hư không”, thanh thoát trong nhịp điệu và màu sắc mà Quang đã khơi dậy ở từng nốt nhạc, sự chuyển giọng giữa chừng kịch tính và tuyệt vời đã đưa chúng ta vào một thế giới màu sắc khác lạ với những khoảnh khắc quý giá trước khi sự tĩnh lặng bao trùm trở lại. Sự bùng nổ đầy bất ngờ trong đoạn mở màn kịch tính của khúc “Mazeppa” với những hợp âm ban đầu lôi cuốn, những rung động đầy hồi hộp gợi ra những điềm báo về bi kịch của vị tướng anh hùng bị ngựa kéo lê trong đau đớn, sức mạnh và sự nhanh nhẹn của Quang đã khéo léo lột tả được hoàn cảnh trong tuyệt vọng của người anh hùng với khao khát được giải thoát, cuối cùng đã được đền đáp trong chiến thắng khải hoàn. Tiếp nối bản anh hùng ca mãnh liệt này là phép thuật giả kim của “Feux Follets” (Will-o’the Wisps), một trong những kiệt tác tuyệt vời của Liszt, nổi tiếng với yêu cầu về tốc độ, sắc thái âm thanh, kỹ thuật điều khiển ngón tay để gợi lên chất thơ, tất cả những điều mà Quang đã thể hiện được với sự phân định tỉ mỉ và sự biểu lộ mong manh đầy bối rối.
Thật sự khác biệt khi tiếng nói u tối và bí ẩn của khúc “Vision” tiếp nối, diện mạo gam màu đen và dữ dội của giọng Sol thứ được thể hiện đầy kiêu hãnh và rực rỡ dưới đôi bàn tay của Quang như thức tỉnh và khơi dậy tính anh hùng ca trong những giai điệu. Có lẽ trong khúc nhạc này, tầm nhìn của anh ấy không giống như Kentner hay sắc bén như Arrau, nhưng như ở trong khúc nhạc tiếp theo “Eroica”, anh ấy đã truyền tải thông điệp như để nhấn mạnh vào nhận thức về tính thơ cũng như sức thuyết phục của nó trong âm nhạc– anh ấy đã phát triển phần sau thông qua sự mở màn đầy hấp dẫn và chí khí, anh “chiêu đãi” chúng ta với một hành trình đầy quả cảm từ những khởi đầu kì quặc đến những màn thể hiện đầy kiêu hãnh về lòng dũng cảm trước khi thận trọng thể hiện niềm vinh dự và lòng tôn kính của mình. Tuy nhiên không có dấu hiệu lưu ý nào xuất hiện trong phần tiếp theo – khúc “Wilde Jagd” đầy xao động, rất được yêu thích trong văn hóa dân gian của Đức với tên gọi là “Wild Hunt”, được mở đầu dữ dội và bão tố trước khi dừng lại ở cuộc rượt đổi với tinh thần phấn khích, kết lại bằng một “bài ca đi săn”! Sự phát triển và tích lũy không ngừng nghỉ ở cả sức mạnh cơ bắp và sức sống mãnh liệt của âm nhạc đã đạt tới những cấp độ khủng khiếp dưới đôi bàn tay của nghệ sĩ trước khi tất cả như sụp đổ vì kiệt sức!
Nghệ sĩ dương cầm Lưu Hồng Quang
Tất cả những điều đó đã cho tôi được tận hưởng màn trình diễn đáng mong đợi nhất trong đĩa nhạc, bắt đầu bằng khúc thơ như sưởi ấm trái tim khi Quang chơi bản “Ricordanza” (Ký ức), một tác phẩm như ám ảnh bởi những bóng ma của hồi ức được gợi lên qua những hình tượng và nét hoa mỹ đầy gợi tả, những mảng màu của quá khứ được “lấp đầy” bằng những thể hiện sắc sảo – sự miêu tả về tác phẩm “khám phá những bức thư tình cũ” nổi tiếng và vô song của Busoni cũng được nghệ sĩ gợi nhắc trong những nốt nhạc của mình. Như một khúc thơ tình tuyệt vời và đầy nhạc điệu, phong cách trình diễn của Quang chạm đến trái tim người nghe bởi sự gợi tả từ những thanh âm thanh thoát về những hoài niệm của ký ức được diễn tả như một “điệu nhảy” chậm rãi đầy cảm xúc, được định hình bởi những thôi thúc, sự gợi tả và thấm thía, những điều mà ngay trong nội tại của nó vẫn còn những vô định.
Nghệ sĩ dương cầm Lưu Hồng Quang
Bản Fa thứ tiếp nối những giai điệu trước đó hầu hết là attacca – giống như một khúc nhạc được đánh dấu là allegro agitato molto! Quang đưa những hình ảnh lặp đi lặp lại ban đầu dường như khẩn trương hơn Kentner, người luôn giữ cho những hình ảnh đi đúng đường quỹ đạo theo bối cảnh tổng thể vốn có của nó (tương phản với Lazar Berman khi anh ấy đánh mất phần cốt yếu của những nốt nhạc với tốc độ nhanh như tia chớp). Nhưng với Quang, anh đã thật sự khéo léo để những chuyển động âm nhạc ở phần giữa uyển chuyển quay trở lại phần mở đầu, lặp đi lặp lại một chủ đề thật huy hoàng và chất chứa, rồi những rung động ban đầu quay trở lại với lối nhấn lệch đầy thú vị, dẫn dắt đến một kết thúc phi thường của tác phẩm.
Tôi đã từng viết về ấn tượng không phai mờ với một tác phẩm đã để lại dấu ấn đậm nét trong tâm trí tôi, đó là bản “Harmonies du soir” – và thật trùng hợp, Quang đã đưa người nghe đến đỉnh cao nghệ thuật của tác phẩm này, và “hình ảnh phản chiếu” của nó, khúc “Chasse Neige” đầy ấn tượng. Nhưng ngay cả ở thời điểm hiện tại, năm mươi năm sau lần đầu tiên tôi nghe những nốt nhạc của bản “Harmonies” vang lên với những giai điệu mở màn đầy ôm ấp, hòa quyện và thôi thúc, tôi vẫn thấy chính mình đang chìm đắm trong cảm xúc ngạc nhiên và thích thú khi tiếng chuông thiên nhiên nhẹ nhàng ngân nga, thôi thúc bởi một chủ đề tiếp nối đã thể hiện được trọn vẹn vẻ đẹp của thiên nhiên và tạo hóa – và ở đây, ta không thấy sự ép buộc hay gượng gạo, mà tinh thần của âm nhạc được hoàn toàn giải phóng bởi một tình yêu sâu sắc, bởi trình độ biểu diễn điêu luyện và những cảm nhận vô cùng tinh tế của người nghệ sĩ.
Nghệ sĩ dương cầm Lưu Hồng Quang
Liszt thật sáng suốt khi dành những giai điệu sau cùng của bộ tác phẩm để miêu tả về thiên nhiên, gieo trong tâm trí người nghe những cảm nhận về sự vô thường của vạn vật, nó như một sự chiêm nghiệm "vinh quang rồi sẽ qua đi" khi những bông tuyết rơi không ngừng nghỉ phủ kín mọi dấu vết của sự sống, được thể hiện rõ nét và xuyên suốt trong phần còn lại của tác phẩm - Ở đây, Quang như hoàn toàn nhập tâm cùng với tác giả khi anh say mê với những lớp sóng âm thanh đan xen trong giai điệu ở phần giữa khúc nhạc để rồi cất lên lời tạm biệt đầy "sắc bén" và trang trọng tuyệt vời ở phần kết thúc.
Nghệ sĩ Lưu Hồng Quang hẳn sẽ hài lòng về những gì đã thể hiện trong chặng “marathon” thử thách lần này, như lời anh ấy đã bộc bạch – “Đây là một dấu mốc thực sự trong hành trình nghệ thuật” – chúng ta rất hy vọng anh ấy sẽ sớm mang đến một bước ngoặt lớn khi một lần nữa thể hiện hơi thở và sức sống của tác phẩm kinh điển này tại chính không gian xa xôi của đất nước chúng ta.
(Nhà phê bình âm nhạc Peter Mechen–New Zealand)