Đọc sách, nhưng phải có sự áp dụng, chuyển hóa vào cuộc sống.
“Tôi chưa bao giờ nghĩ đọc sách là một điều gì đó tách biệt ra khỏi cuộc sống. Nó gắn liền với tất cả mọi thứ trong đời. Tôi không hề nghĩ khi đọc sách là một cái gì đấy rất quan trọng, hay có cái gì làm mình hiểu biết hơn người… hay gì cả; tôi chỉ thấy đơn thuần như uống nước hàng ngày, không thể tách ra.”
Sau cuộc tìm kiếm và chinh phục các giải thưởng quốc tế ở những năm trước tuổi 30, người học trò đầy triển vọng và được kỳ vọng nhất của NSND Đặng Thái Sơn đang mở ra hướng đi mới và theo đuổi con đường của riêng mình trong sự nghiệp nghệ thuật và sáng tạo.
Lưu Hồng Quang vô cùng bận rộn, nhưng anh vẫn dành cho chúng tôi thời gian hết sức quý báu của mình với một danh sách dài và tận tâm những cuốn sách quan trọng nhất với anh. Anh luôn mở rộng bản thân, lắng nghe cả các ngôn ngữ khác chứ không chỉ riêng âm nhạc - mà còn là hội hoạ, văn học, tiểu sử, self-help, công nghệ, kinh doanh…
Đây là lần thứ hai tôi phỏng vấn Lưu Hồng Quang, năng lực của anh đã đi rất xa so với sự tưởng tượng của tôi và so với lần đầu tiên tôi gặp (dù lúc đó cũng đã rất vượt trội); nhưng một điều gì đó trong anh vẫn vậy và dường như không thay đổi: sự bảo vệ tinh tế và cẩn trọng dành cho những điều nhỏ bé mà bạn đọc lưu tâm có thể nhận ra trong bài phỏng vấn này. Mỗi cuộc phỏng vấn người nghệ sỹ dương cầm này, với tôi, đều đầy những thán phục, tìm tòi và học hỏi.
Tình yêu lớn lao dành cho âm nhạc và sự cầu tiến vượt qua tất cả các yếu tố nghịch đã đưa anh đến với thành công; và có thể nói, đây cũng là cách thành công của tất cả những người có sức ảnh hưởng khác. Những cuốn sách thật sự là thành trì bảo vệ cho lý tưởng của Lưu Hồng Quang, mặc dù như anh bộc bạch, cũng cần có sự giao lưu học hỏi và trao đổi với thế giới bên ngoài để tránh sự cực đoan và mất cân bằng mà nhiều nghệ sỹ đã từng mắc phải.
Xin cảm ơn nghệ sỹ đã chia sẻ một danh sách đọc rất hữu ích. Nhân đây tôi muốn hỏi thêm một số điểm về một số cuốn sách. Với cuốn sách “ Đặng Thái Sơn - Người được Chopin chọn”, bản thân anh là người gần gũi và được học trực tiếp NSND Đặng Thái Sơn, so với một người viết về nghệ sĩ Đặng Thái Sơn, anh cảm thấy bản viết xác thực được bao nhiêu % với nghệ sĩ mà anh cảm nhận được?
Tôi khám phá điều này một cách ngược lại. Bởi tôi đã biết chú Đặng Thái Sơn trước khi đọc sách nên đã hiểu chú thế nào rồi. Và sau đó khi đọc tôi mới thấy sách đúng, chứ không phải chiều kia.
Nhưng chính vì thế tôi mới thấy, cách viết của họ không chỉ đơn thuần là thuật lại, hoặc tìm những chi tiết lịch sử và viết lại rất chính xác; tôi còn cảm giác, chắc người viết đã có một cuộc nói chuyện tâm tình nào đó với chú Sơn rất chân thành. Có những điểm, tôi cảm thấy, thật sự phải những ai biết chú, mới hiểu. Nên cách viết đó hoàn toàn, tôi nghĩ là, đã có một cơ sở lớn về thấu hiểu tâm lý, cá tính của chú.
Chú Sơn, có thể nói là người thu vào bên trong. Chú không thích ồn ào và tuyệt nhiên có một lòng chính trực rất lớn với nghệ thuật âm nhạc. Hoàn toàn là một nghệ sỹ rất thuần tuý.
Những điều này phần nào được phác hoạ rất chân thực qua từng mấu chốt lịch sử: khi chú còn ở Việt Nam cho tới lúc sang Nga, sang Nhật, cho đến khi tới Canada. Có thể nói, tôi đặc biệt thích khúc tác giả giới thiệu cách chú Sơn được tiếp nhận rất tự nhiên đến âm nhạc của Chopin qua mẹ của chú, bà Thái Thị Liên. Tôi không muốn nói trước chi tiết này (cười), ai chưa đọc sẽ thấy nó rất đẹp.
Pianist Lưu Hồng Quang trong concert Ha Noi The Transcendence 2022
Về cuốn sách ta tạm dịch là “Song hành và Đối lập”; thì với hai người đối thoại trong tác phẩm đó, tại sao lại có sự đối lập? Bởi tôi hiểu là không thể có sự mâu thuẫn trong âm nhạc được. Tại sao họ lại không đồng ý với nhau ở khía cạnh nào đó của xã hội, bởi vì xã hội tác động ngược lại với nghệ thuật hay sao? Tôi không hiểu về bản chất của loại mâu thuẫn này trong khi lẽ ra sẽ luôn có sự đồng tình?
Bởi vì tư duy về âm nhạc. Âm nhạc là một loại hình nghệ thuật khá trừu tượng. Manh mối chúng ta có được với những người viết các tác phẩm này, tất cả chỉ dựa lại trên bản nhạc. Chúng ta không biết Beethoven muốn gì, không biết Liszt muốn diễn đạt cái gì, cũng không thể khẳng định Chopin cảm nhận thế nào…
Dĩ nhiên, chúng ta có một số manh mối về lịch sử, một số tài liệu…, nhưng cái khó, và, có thể nói, sự độc nhất của âm nhạc, là bản nhạc ấy cho đến khi được hiện hữu qua hình thức âm thanh, mới sống. Còn lúc nằm trên giấy, sẽ giống như công chúa ngủ trong rừng, cần một hoàng tử đến hôn lên môi để sống dậy. Thế nên, khi âm thanh vang lên trong không trung, đó mới là sự thật tuyệt đối. Mà dĩ nhiên, vang lên như thế nào, thì có rất nhiều cách và chịu ảnh hưởng của rất nhiều ý kiến khác nhau.
Âm nhạc, khi được cất lên, là lúc sự im lặng tạm dừng. Và bằng một cách nào đó chúng ta đã sinh ra những đứa con âm nhạc. Những nốt nhạc chính là đứa con tinh thần của chúng ta được sinh ra bởi chúng ta và cây đàn trên cái nền im lặng.
Chúng ta phải chăm lo cho con của mình. Không thể sinh con ra xong đem con bỏ chợ. Cũng không thể nói con bạn với con tôi - có thể đi học cùng trường, học cùng cô giáo, ăn cùng cái này, đi cùng một chuyến xe buýt - nhưng liệu có giống nhau hoàn toàn không? Nên bắt đầu nảy sinh ra một số điểm khác biệt. Và còn phụ thuộc vào nề nếp gia đình, văn hoá xã hội, lứa tuổi, kinh nghiệm sống…, rất nhiều thứ! Và cái gì là sự thật đối với một người? - Chỉ là một cách nhìn đối với một người khác. Đây là một câu hỏi rất khó nên tôi không thể trả lời đầy đủ hết, nhưng đấy là một số phác hoạ qua về nội dung của nó!
Pianist Lưu Hồng Quang biểu diễn
Thời điểm anh bắt đầu tự chọn sách cho mình, thưa anh?
Từ khi tôi bắt đầu biết đọc.
Từ lúc đó anh đã tự chọn sách cho mình, không phải người khác chọn cho anh?
Đương nhiên phải tự chọn cho mình; tuy nhiên chất lượng, nội dung, chiều sâu của mỗi cuốn sách ở mỗi thời kỳ của tôi cũng khác nhau. Nhưng, tôi nhớ việc đi vào hiệu sách, hay nhìn thấy đâu đó, hoặc bất kể thông tin, hoặc thậm chí không phải tự mua mà được tặng sách, thì ý thức để đọc và đón nhận…, cảm giác này với tôi đã đến rất sớm.
Tôi không phải người đọc thường xuyên; có lúc đọc rất nhiều, lúc đọc một vài cuốn, có lúc đọc rất nhanh, có lúc đọc rất chậm… Tôi rất nhớ cảm giác một khổ văn, một câu, một ý nào đó làm mình bừng tỉnh! Vừa bừng tỉnh, vừa chột dạ. Nghe hơi buồn cười, nhưng có cảm giác nhoi nhói trong người.
Chỉ khác là lớn lên, chất lượng, nội dung, độ phong phú về chiều sâu ngày càng tăng lên thôi. Còn ngày xưa, chỉ đọc những gì có thể đọc, thậm chí đọc truyện tranh đối với tôi cũng không có gì sai sót, vì từ đấy dẫn đến những thứ khác.
Sự khác nhau giữa tốc độ đọc và số lượng đọc của anh ở các thời điểm do điều gì thôi thúc vậy? Anh cảm thấy thiếu vắng điều gì?
Không phải chuyện thiếu vắng gì, mà đôi khi, do đặc thù công việc. Có những lúc phải tập luyện rất nhiều. Nếu cần phải chuẩn bị một chương trình biểu diễn với những tác phẩm rất khó và đồ sộ, thì nói thật, không có nhiều thời gian cho những thứ khác; phải giữ tất cả những thứ khác ở mức rất tối thiểu. Tôi sẽ cân bằng bằng cách sau đấy đọc lại. Tôi có thói quen giữ ở mức vẫn có được thông tin đầu vào - mặc dù tối thiểu - nhưng đều đặn.
Những tour diễn thường xuyên phải di chuyển, nói chung thời gian tập luyện rất căng thẳng, nên những lúc rảnh rỗi tôi chỉ có thể ngủ, không còn thời gian làm gì khác. Với thực sự, để lên sân khấu, cần một sự tập trung ghê gớm và cần năng lượng khủng khiếp, độ huy động tất cả (các neuron) thần kinh có thể có; nên, tôi sẽ không dùng nhiều năng lượng vào việc khác. Thậm chí, có những lúc, 2 - 3 ngày trước đấy tôi hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài. Tôi ý thức được, năng lượng chuẩn bị đi ra khỏi mình trong 2 tiếng biểu diễn đấy cần sức căng lớn thế nào. Đấy là một trong những lý do không phải lúc nào tôi cũng giữ được sự đều đặn.
Tuy nhiên, sau đấy tôi ý thức được cái gì cũng phải giữ được cân bằng, bởi khi không cân bằng một thời gian cũng dễ dẫn đến một số chuyện như căng thẳng, thậm chí không tìm được lối thoát cho sự sáng tạo.
Pianist Lưu Hồng Quang biểu diễn
Sự sáng tạo trong âm nhạc chưa đủ nên anh phải tìm đến sách hay sao? Tôi không hiểu ý này?
Tôi chưa bao giờ nghĩ đọc sách là một điều gì đó tách biệt ra khỏi cuộc sống. Nó gắn liền với tất cả mọi thứ trong đời. Tôi không hề nghĩ khi đọc sách là một cái gì đấy rất quan trọng, hay có cái gì làm mình hiểu biết hơn người… hay gì cả; tôi chỉ thấy đơn thuần như uống nước hàng ngày, không thể tách ra.
Có những cách đọc anh nghĩ sẽ hữu hiệu hơn những cách đọc khác không ạ?
Có phương pháp không biết bạn biết không, là quantum reading, để đọc nhanh hơn. Bạn có thể nghiên cứu trên internet: lật những trang sách rất nhanh, tập trung nhìn, ghi nhớ. Tôi có đi xem hội thảo nhưng không có thời gian thực hiện. Tôi nghe nói nó giúp đọc nhanh. Nhanh hơn bao nhiêu, tôi chưa kiểm chứng. Bạn có biết phương pháp này không?
Tôi biết có những thời điểm mọi người thi đọc nhanh. Đối với tôi, tôi cảm giác cách đó giống như mắt mình chụp ảnh toàn cảnh chứ không đọc theo từng chữ. Tuy nhiên, tôi không tò mò cách đọc đấy lắm.
Thật ra khi đọc có sự hiểu, thì hiểu sẽ giúp đọc nhanh hơn. Bạn có thể đọc rất nhanh, nhưng khi đọc xong một khổ một đoạn, mà không đúc rút được ra một ý, một vài từ khoá, thì có nghĩa là chưa hiểu phần ấy. Có những lúc tôi đọc báo hoặc các cuốn sách, tôi chỉ rà qua rất nhanh những đoạn văn. Có nhiều từ vệ tinh, nhưng có một từ khoá; nhìn từ đó là biết cả khổ này muốn nói gì! Trong giới kinh doanh, người ta gọi là “Bạn cần biết cách đọc dưới những dòng chữ!” Có một, hoặc những từ, những ý luồn lách ở đấy; nắm được một số từ khoá ấy, là nắm được họ muốn nói gì, còn bên ngoài, chỉ là cái phụ.
Họ chỉ dùng những phần phụ ấy để chứng minh cho ý đã được đề cập, độ hiệu quả của từ khoá, độ đúng đắn của đích, nhan đề hoặc chương khổ đấy muốn nói đến thôi…
Cũng như nói chuyện hàng ngày, có những người cứ lòng vòng không đi vào vấn đề chính, nhưng cuối cùng, mình biết họ muốn nói gì. Cứ rào trước rào sau. Nói thẳng xem anh muốn gì nào? Nhưng thông thường, chúng ta sẽ tránh gây áp lực nên không thể nói quá thẳng.
Pianist Lưu Hồng Quang biểu diễn
Thời điểm khó khăn trong sự nghiệp thì sách hay một điều gì khác, hay động lực cá nhân đã giúp anh vượt qua? Vì theo một số cuốn tiểu sử mà anh đã đề cập (nghệ sỹ cũng có mặt tối), họ có dùng sách (để giải quyết mặt tối) không?
Theo tôi, đọc sách là tốt; nhưng vận dụng những kiến thức ấy, tư duy ra sao để liên hệ với cuộc sống thực tiễn, những đóng góp trong nghệ thuật hoặc cuộc sống…? Tôi cảm thấy cái này quan trọng hơn, ít nhất với tôi. Bởi tôi biết, có những người đọc rất nhiều, nhưng độ thực tiễn và tính ứng dụng họ có thể dẫn giải ra trong ngôn từ, thậm chí chính hành động của họ trong cuộc sống và những điều họ muốn làm, thực ra chẳng được bao nhiêu. Thế thì đọc làm gì? Không đọc còn tốt hơn.
Nhưng đọc, biến được mình là cái cầu, những kiến thức trong sách, thông tin, cũng như một số bài học đúc kết.., bằng cách nào đấy, không hiểu một cách khô cứng, mà khéo léo vận dụng vào tình huống và những gì đang diễn ra trong thử thách cuộc sống… Vận dụng được, tôi tin chắc mình mới nhớ những gì mình đọc. Chỉ đọc không thôi? Tôi không nghĩ có tác dụng gì. Vì bạn có nhớ những cuốn sách bạn đọc cách đây 10 năm? Chưa chắc đã nhớ.
Nên có thể tôi không đọc rất nhiều, nhưng rất nhớ; bởi học đi đôi với hành. Vận dụng ngay. Chức năng của nó thế nào? Những gì tôi đang đọc bây giờ, thông điệp là gì đằng sau con chữ? Làm sao để tôi truy cập những thông điệp này? Những thông điệp được xử lý và đến với cuộc sống của tôi, những người xung quanh tôi, như thế nào?
Tôi cảm thấy cách đọc hữu hiệu nhất của tôi, là những thông tin này tôi có thể sử dụng và chuyển hóa nó thành cái gì đấy ngay thực tiễn, giúp cho chất lượng công việc, cuộc sống, các mối quan hệ được cải thiện lên…, tôi nghĩ đấy là cách đọc sách đúng. Còn tôi không khuyên ai cứ cầm sách lên để trông trí thức. Không có ý nghĩa gì cả. Nếu đã đọc, phải có sự liên hệ.
Quan trọng nhất, không phải chuyện mình biết thông tin, bởi thông tin hiện nay có lẽ không gì nhanh, đầy đủ và khái quát như Google… Không gì nhanh hơn mạng. Nhưng tiếp cận thông tin thế nào thì hết sức quan trọng. Dĩ nhiên, thông tin, bản thân nó chưa đủ.
Đúng! Mọi người đã nói rất nhiều về việc khuyến đọc khuyến học, nhưng cách sử dụng thông tin và kiến thức như thế nào lại phụ thuộc vào khả năng của mỗi người? Nếu phụ thuộc khả năng, thì sẽ có nhiều người nói: nhưng tôi không thể cải thiện khả năng đó được bởi tôi bẩm sinh như thế, chẳng hạn? Người này người kia có năng khiếu, thì họ mới làm được điều đó?
Có thể đúng 50%. Có thể đúng thật sự họ không có năng khiếu hoặc không đủ khả năng thật. Thứ hai, họ chưa làm đúng cách. Nếu đúng cách, biết đâu họ lại chạm được vào những tiềm tàng họ có, mà họ không biết họ có, thì sao? Khi cái gì đấy bị tắc, cái cửa không có tội, người mở cửa không có tội, mà tội là chìa khóa.
Nên tôi nghĩ, ta có thể nói thêm một chút về phương thức. Còn tôi không nghĩ ai có khả năng nhiều hơn ai, chỉ là kiên nhẫn của rèn luyện, kiên nhẫn của lý trí. Còn nói chung, là thói quen. Cái gì xấu, làm đi làm lại nhiều lần cũng thành thói quen, là thói quen xấu. Cái gì tốt, làm đi làm lại hàng ngày, sẽ thành thói quen tốt. Cái gì cũng thành thói quen. Tôi không tin có cái gì không thành thói quen được.
Pianist Lưu Hồng Quang biểu diễn
Anh nói về chuyện cái cửa và chìa khóa, và chúng ta đã nói về cuốn Chuyện ngụ ngôn của Tolstoy. Trong trường hợp một người sử dụng chìa khóa sai do người khác nhét cho anh ta, và anh ta cứ tin cái chìa khóa đấy mới là chìa khóa đúng; và anh ta cứ tiếp tục cố mở cánh cửa bằng chìa khóa sai. Làm sao để anh ta nhận ra đấy là chìa khóa sai? Nếu anh ta vẫn tin người đưa cho anh ta cái chìa khóa đấy có ý tốt với anh ta, và họ đã cung cấp cho anh ta một cái chìa khóa đúng?
Rất đơn giản, có hai thứ cần phải nhận ra ngay: Đầu tiên, kết quả mà mình muốn với kết quả thực sự đang xảy ra, độ khác nhau khoảng bao nhiêu %? Nếu khác nhau đến 100%, 80% thì không phải kết quả mong muốn, đúng không?
Thứ hai: số lượng thử phương pháp đó. Bao nhiêu lần? Nếu số lượng trên 3 đến 5 lần, vẫn dẫn đến một kết quả khác với kết quả mình đang tưởng tượng và muốn; thì nên thay đổi. Cái này tôi cũng không cần phải nhắc nhiều, thực ra, chắc bạn cũng biết câu nói rất nổi tiếng của Einstein “Sự điên rồ là làm đi làm lại một chuyện và mong đợi những kết quả khác nhau.”
Nhưng liệu có (nhận ra) nhanh được như vậy không ạ? Có một tình hình thực tế, dường như vẫn có những người… thậm chí, ngay bản thân tôi trong quá khứ, cũng đã từng lặp đi lặp lại một sai lầm khá nhiều lần. Có một dạng người ta gọi là “niềm tin ăn sâu”, và có thể nó là thứ đã tạo ra những mâu thuẫn xã hội mà chúng ta thấy?
Cá nhân tôi không khác gì bạn, cũng có rất nhiều sai sót. Thậm chí có những sai sót rất lớn ngay trong chính nghề nghiệp của tôi, nhưng vì cách mà tôi được lớn lên, và tôi có một số niềm tin, phương pháp của mình ngày xưa…
Có những thứ cách đây mới một tháng tôi mới vỡ ra, bạn có hiểu không? Nên chuyện sai sót, không đúng cách, là chuyện rất bình thường. Phải đến một giai đoạn đủ chín, ta mới thật sự hiểu một cách toàn diện việc phải rất uyển chuyển trong sử dụng phương pháp.
Nếu nhìn một cách sâu xa, tôi không nghĩ bởi vì ai đó cứng đầu, hoặc ai đó đã quen cách ấy. Làm đi làm lại vẫn phạm lỗi đấy, sau đó họ không làm nữa, không phải chuyện họ không biết sai, nhưng, đôi khi, họ cảm thấy thời điểm ấy đã quá trễ. “Tôi đã quá già để có thể thử thứ gì đó mới. Tôi vẫn luôn làm thế này. Tôi từng này tuổi rồi. Nó nằm trong hệ thống của tôi.” Đấy sẽ là vấn đề lớn hơn.
Thật đáng sợ!
“Tôi biết điều đó đúng, nhưng tôi từng này tuổi, làm sao có thể thay đổi phá vỡ toàn bộ hệ thống của tôi được?” Đấy là cái đáng sợ. Còn bản thân cái sai khác, chẳng đáng sợ. Nên tôi nghĩ then chốt ở đây: phải có đủ can đảm để tin không bao giờ quá trễ để trở thành người mình từng mơ mình có thể. Có điều, rào cản tuổi tác, những cam kết, những khó khăn trong cuộc sống…, đôi khi, làm ta bị lung lạc niềm tin; rằng, ta không thể thay đổi, hoặc không xứng đáng, với hình ảnh tốt nhất ta từng mơ.
Cách tốt nhất để nhận ra vấn đề này, các bạn chỉ việc nhắm mắt lại. Khi các bạn nhắm mắt lại, cuộc đời, thế giới các bạn đang nhìn trong lúc nhắm mắt đẹp như thế nào; và nó khác thế giới thực tại hiện bạn đang sống thế nào? Nếu rất khác, là bạn đang khao khát một điều gì đấy rất lớn hơn. Còn nếu bạn nhắm mắt hay mở mắt đều cảm thấy rất vui với mọi thứ xung quanh, thì chúc mừng bạn, bạn đang đi trên con đường rất đúng.
Pianist Lưu Hồng Quang biểu diễn
Những điều anh vừa nói thật chạm đến trái tim!
Còn một chi tiết rất quan trọng khi đọc sách, với cá nhân tôi, ngoài chuyện phải có khả năng phân tích, chuyển hóa dữ liệu đọc thành công cụ, ý nghĩa trong cuộc sống, thì cách tiếp cận nó cũng đòi hỏi rất nhiều về độ tập trung. Chắc mọi người biết rồi, nhưng tôi thấy rất đúng nhé: Là một cơ thể khỏe mạnh sẽ đi cùng với một bộ não rất minh mẫn. Khi thường xuyên chăm tập thể dục, là lúc tôi đọc sách tốt nhất. Vì cơ thể, bộ não và hệ thống đã sẵn sàng để tiếp nhận thông tin; mình rà soát đọc rất nhanh, nhớ rất sâu, rất dễ dàng.
Lúc tôi cảm thấy rất mệt mỏi, hoặc những lúc người ta gọi là…, hơi tiêu cực; chưa chắc đã nên đọc sách, mà nên đi dạo bên ngoài. Hãy ra ngoài vườn, nhìn bầu trời, ngắm cánh chim bay… Hãy hít thở không khí, để ánh mặt trời chạm vào, và thậm chí, hãy gặp mọi người… Đến khi cơ thể ở trạng thái minh mẫn và tương đối khỏe, lúc ấy thông tin vào cũng dễ hơn là cứ cố gượng ép phải đọc từng này… Không nhất thiết!
Tôi nhớ, những giờ phút đọc và học được nhất, là lịch trình hàng ngày luân chuyển giữa các việc. Buổi sáng dậy, bắt đầu tập thể dục, tập đàn, sau đó nghe nhạc đọc sách, nghiên cứu bản nhạc, quay trở lại tập đàn, đọc một chút nữa… Lúc thì đọc sách âm nhạc, sau đó đọc sách về các thứ khác.
Bản thân việc chơi nhạc cũng giúp tập trung. Vì chơi một nhạc cụ, nên cường độ tập trung của tôi có chu kỳ rất lớn. Chu kỳ tập trung của một người khoảng 45 phút (phổ biến), còn chu kỳ của tôi khoảng 60 phút, 90 phút hoặc hơn. Nên tôi chưa có vấn đề về việc đọc sách mà không tập trung.
Lúc không tập đàn, tôi vẫn cố gắng duy trì tập trung trong những việc khác. Sự tập trung cũng như tập thể thao. Lúc bắt đầu, khoảng 1 phút, sau đó 20 phút, rồi 30, 40 phút… ngày càng lâu hơn. Chu kỳ tùy thuộc vào khả năng tập luyện. Mỗi người đều biết chu kỳ bao nhiêu họ sẽ cảm thấy sức tập trung đi xuống.
Chuyện chọn sách có liên quan đến việc có thể tìm được cái chìa khóa để mở cánh cửa mình muốn không, thưa anh?
Nếu không đọc sách, chắc chắn bạn không tìm được gì. Còn khi đọc…, cũng khó nói, bởi có những thứ tìm được rất bất ngờ, có những cái càng tìm càng khó thấy. Nhưng tôi không tin lắm chuyện có thể tìm ra một cái chìa khóa ở một điểm. Tôi không tin điều ấy. Mà tôi tin vào phương pháp kết nối các điểm lại với nhau. Bạn có hiểu không?
Pianist Lưu Hồng Quang
Hơi khó hình dung. Có nghĩa là nhiều điểm chứ không phải là chỉ có một điểm?
Đúng vậy! Nghĩa là gì? Không nhất thiết từng thứ một, từng quyển sách hoặc từng hoạt động mình đang làm, đang đọc, sẽ làm, nó sẽ đưa ra một kết quả tự động đâu - loại kết quả tự động sẽ dẫn đến thành công của bạn ấy. Không đâu! Không phải như vậy. Mà nó là một phần, một điểm của một bức tranh tổng thể sau nnày
Bạn có công nhận khi nhìn về quá khứ, mình có thể nhận ra tất cả những điểm đều được giao nhau ở đúng những thời điểm cần thiết? Và tất cả những người mình cần phải gặp, những cái cần phải đọc, cần phải nghe, những bài học cần phải học và những thất bại cần phải trải qua… Nó đều là những điểm được kết nối với nhau và cuối cùng dẫn đến mình ở thời điểm hiện tại, có đúng không?
Có một dạng lý thuyết như vậy. Nhưng nói thật, với tôi, là một kiểu khác. Kiểu của tôi là kiểu một điểm. Bởi vì có những người sẽ nói về đa mục tiêu, nhưng đa mục tiêu thì sẽ lại bị trải ra?… À, nhưng hình như anh không phải nói ý này?
Tôi đang không nói về đa mục tiêu. Tôi chỉ nói là tất cả những gì đã xảy ra nó cần phải được xảy ra, đúng không?
Nhưng có những chuyện giá như không xảy ra?
Cái làm cho “giá như không xảy ra” mới gia tăng cho việc: cái mình muốn xảy ra trong tương lai. Ví dụ về những cái đã xảy ra giúp cho những cái bây giờ xảy ra tốt nhé? Để nói rằng, tất cả những gì mình đọc và học, kinh nghiệm và thất bại, thành công…, đều là một phần của bức tranh lớn tương lai. Một ngày nào đấy, tất cả những điểm đấy, mình sẽ cần đến nó ở một lúc không ngờ nhất.
Bạn có biết Steve Job thiết kế Apple iPhone iPad, nhưng trước đấy, lúc học đại học, ông ấy học một khóa calligraphy?
Không, tôi chưa từng nghe.
Không bao giờ ông ấy nghĩ được, học calligraphy lại có ý nghĩa gì về cải tạo công nghệ sau này, đúng không? Không ai nghĩ đến điều đấy! Nhưng, tất cả mọi thứ đều đến cùng lúc với ông ấy, sau này. Chính vì thế, Apple mới có những font chữ và thiết kế rất nghệ thuật. Tất cả đều đến từ một nơi nào đó. Bởi vậy, có thể những thứ bạn đang làm và học bây giờ, bạn có thể nghĩ: nó không liên quan đến cái sẽ xảy ra, nhưng, bạn không bao giờ biết đđược
Những cái có thể sử dụng ngay, bạn có thể áp dụng; những cái có thể chưa nhất thiết phải xảy ra hay cần phải sử dụng ngay, bạn có thể chứa nó trong não ngủ. Một ngày nào đó, nó sẽ được sử dụng. Những cái bạn học trước đấy sẽ không vô ích.
Như tôi đã phân tích (về việc đọc), cuối cùng, hãy hiểu thông điệp cuốn sách nói đến, và liên tưởng, liên hệ ý, thông điệp ấy với cái đang làm. Công việc chính của tôi là tạo ra âm thanh trên cây đàn piano; nhưng tôi đâu ngờ được, hằng hà sa số hình ảnh, câu chuyện, trí tưởng tượng trong sách - kể cả sách khoa học, phim ảnh, kinh doanh… - một ngày, lại đi vào việc chơi đàn và giúp tôi chơi hay hơn, bằng cách nào đó, vô hình. Không những chơi đàn, mà còn giúp biểu hiện ngôn từ của tôi, trong lúc dạy học, rất phong phú. Lúc đọc, tôi không ý thức được nó sẽ giúp mình đâu. Nhưng tất cả sẽ đến cùng lúc, sau này.
Vậy, tôi đã hiểu ý anh nói về đa điểm chứ không phải đa mục tiêu. Chúng kết nối và dệt nên bức tranh, là những tác phẩm mà anh chơi?
Đó! Lúc bắt đầu, tôi không nghĩ một ngày nào đó chúng có yếu tố đóng góp nào đấy với bức tranh tôi muốn tạo ra trong âm nhạc. Nhưng chính vì đã đọc, hoặc được nghe đâu đó; những hình ảnh đấy bằng khả năng vận dụng, tôi đưa được nó vào trong thế giới âm thanh của mmình
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này!
(Trạm Đọc) Hồ Hương Giang thực hiện.