Với mục tiêu lan tỏa tình yêu với âm nhạc cổ điển, nghệ sĩ piano Lưu Đức Anh và anh trai là nghệ sĩ Lưu Hồng Quang sẽ lần đầu tiên mang đến cho công chúng Việt Nam một chương trình hoà nhạc song tấu Piano diễn ra vào 20h ngày 5.1.2020 tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Trong đêm nhạc, anh em nghệ sĩ Lưu Hồng Quang và Lưu Đức Anh sẽ biểu diễn một kiệt tác vĩ đại nhất của Beethoven nói riêng và của cả lịch sử âm nhạc nói chung, Bản giao hưởng số 9. Bản giao hưởng số 9 của Beethoven được coi là một thành tựu bậc nhất trong lịch sử âm nhạc và tiếp tục ảnh hưởng tới sự phát triển của âm nhạc và xã hội. Tác phẩm này nổi tiếng bởi bối cảnh là bài thơ của Schiller “Ode to joy”, ngôn ngữ chiến thắng rất phù hợp với âm nhạc bất hủ và mạnh mẽ của Beethoven. Hai nghệ sĩ Piano nổi tiếng sẽ trình diễn một phiên bản dành cho 2 cây đàn piano của Franz Liszt. 20 ngón tay của hai nghệ sĩ Piano trẻ sẽ thay thế hàng trăm nghệ sĩ trong dàn nhạc để tạo ra một bản tái hiện độc đáo của kiệt tác này.
Nhằm lan tỏa tình yêu âm nhạc cổ điển đến với công chúng Việt Nam, những năm gần đây đã có không ít những sân khấu do chính các bạn trẻ, các bậc phụ huynh quan tâm lập ra và đây đã dần trở thành những nơi để các bạn trẻ yêu âm nhạc cổ điển học tập và rèn luyện. Cụ thể, vào cuối năm 2017, nghệ sĩ Lưu Đức Anh, Dương Vũ Minh, Nguyễn Phú Sơn, Nguyễn Đức Anh đã lập ra tổ chức âm nhạc Maestoso. Maestoso được lập ra với mong muốn góp một phần vào sự phát triển âm nhạc giao hưởng thính phòng ở Việt Nam, tạo ra nhiều cơ hội biểu diễn trên sân khấu chuyên nghiệp cho những nghệ sĩ tài năng của Việt Nam và nước ngoài. Bốn thành viên của Maestoso đều du học nước ngoài, có cơ hội được tiếp thu những tinh hoa văn hóa nghệ thuật của thế giới và đã gặt hái được nhiều giải thưởng trên các sân khấu quốc tế. Không chỉ dừng lại ở việc thỏa mãn đam mê âm nhạc của bản thân, họ còn mong muốn có thể đưa những kiến thức quý giá đó về với quê hương, truyền lại cho những thế hệ nghệ sĩ trẻ. Từ khi thành lập đến nay Maestoso đã có những buổi biểu diễn tại một số Nhà thờ ở HN, Nhà hát Lớn và Học viện Âm nhạc Quốc gia VN.
“Chúng tôi chỉ mong muốn góp một phần nhỏ trên một chặng đường dài của âm nhạc cổ điển VN. Ngoài việc tổ chức các buổi hòa nhạc cổ diển ở Nhà hát Lớn, Học viện Âm nhạc Quốc gia VN, chúng tôi đã và đang hướng tới tổ chức nhiều buổi hòa nhạc miễn phí tại các địa điểm mới như các Nhà thờ lớn ở HN. Đây là một hình thức rất mới ở VN, nhưng chúng tôi cũng đã được công chúng đón nhận rất nhiệt tình, đặc biệt là các bạn trẻ. Nhưng tôi phải nhấn mạnh rằng, con đường đưa âm nhạc cổ điển đến với công chúng VN là cả một chặng đường dài và chúng tôi chỉ có thể góp được một phần nhỏ mà thôi. Còn để có được một kết quả rõ rệt thì cần nhiều hơn nữa những người như chúng tôi đóng góp đưa nền âm nhạc cổ điển của VN ngày một phát triển”, nghệ sĩ Lưu Đức Anh nhấn mạnh.
Lưu Đức Anh và Lưu Hồng Quang đều là những tài năng piano nổi tiếng của Việt Nam. Cả hai từng có nhiều buổi độc tấu ở Việt Nam cũng như trên thế giới nhưng chưa bao giờ biểu diễn song tấu. Và buổi hòa nhạc lần này đánh dấu màn trình diễn song tấu đầu tiên của hai anh em họ Lưu tại Việt Nam. Dù mỗi người có một cá tính riêng nhưng hai anh em không phải tranh luận quá nhiều khi xây dựng kịch bản cho buổi song tấu. Năm 2020 là kỷ niệm 250 năm sinh nhật của nhà soạn nhạc Beethoven, nên Lưu Hồng Quang thuyết phục em trai song tấu Giao hưởng số 9 của ông. Sau khi tìm được concept của chương trình, hai anh em đã dễ dàng có được sự thống nhất trong biểu diễn.
Nghệ sĩ Piano Lưu Đức Anh chia sẻ: "Trước đây, khi được đi ra nước ngoài học tập, tôi rất muốn ở lại để được sống trong môi trường âm nhạc chuyên nghiệp đúng nghĩa, có nhiều cơ hội phát triển. Nhưng sau này tôi nhận ra, môi trường nào cũng có những hạn chế. Ở nước ngoài, môi trường của họ có sự nghiêm túc, chuẩn chỉnh nhưng rất khó để trở thành một nhân vật nổi bật và có những dự án riêng của mình. Rất khó để làm được những thứ lớn lao vì bên đó họ rất công bằng, mọi cơ hội đều chia đều cho tất cả chứ không thiên vị một ai. Phải rất xuất chúng mới có cơ hội để bứt phá hẳn lên. Ở Việt Nam mình có thuận lợi hơn vì từng tham gia biểu diễn nhiều chương trình lớn và có một chút tên tuổi. Đó là tiền để mình thuận lợi hơn trong phát triển ước mơ, thực hiện dự án của mình. Vì âm nhạc không chỉ có biểu diễn mà còn có tổ chức biểu diễn và giảng dạy. Chính vì thế tôi quyết định chọn Việt Nam để được làm nhiều thứ mình mong muốn".
Nguồn: Thanh Ngọc