Concert

Chương trình hòa nhạc trực tuyến "LUNA ETÉREA" – Một hành trình âm nhạc đầy say mê

Chương trình hòa nhạc trực tuyến "LUNA ETÉREA" – Một hành trình âm nhạc đầy say mê

Ngày 19/6 vừa qua tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA), B1–R3, Vincom Mega Mall Royal City, 72A Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội, đã diễn ra chương trình hòa nhạc trực tuyến "LUNA ETÉREA" | ÁNH TRĂNG KÌ ẢO dưới sự trình diễn của nghệ sĩ - pianist Lưu Hồng Quang.

LUNA ETÉREA là chương trình độc tấu piano với chủ đề mở đầu lấy cảm hứng từ khúc Prelude của Debussy mang tựa đề "La terrasse des audiences du clair de lune" - Ánh trăng trên sân thượng của những khán giả, nghệ sĩ Lưu Hồng Quang đã dẫn dắt người nghe qua những cung bậc cảm xúc khác nhau. Từ bản Sonata đầu tay của Beethoven, thể hiện kĩ thuật diễn tấu điêu luyện đầy cảm xúc siêu tưởng say mê trong khúc Transcedental của Liszt, đến sự trong trẻo ngân nga trong Étude của Chopin, và sau cùng là kết thúc bằng sự dồn dập mãnh liệu hào hùng trong Sonata số 6 của nhà soạn nhạc vĩ đại người Nga Sergei Prokofiev.

Luôn để lại ấn tượng đặc biệt sâu sắc với khán giả với phong cách trình diễn giàu cảm xúc và kĩ thuật biểu diễn piano điêu luyện, tiếng đàn của nghệ sĩ Lưu Hồng Quang nhẹ nhàng đã dẫn dắt người nghe qua những cung bậc cảm xúc lấp lánh và đầy tinh tế. Nếu như trong bản Preludes, book 2: No. 7: La terrasse des audiences du clair de lune khán giả như được say mê hòa với ánh trăng mờ ảo qua những giai điệu được tạo nên bởi lối tư duy âm nhạc hoàn toàn mới của Claude Debussy, đã tạo ra những âm thanh cùng sự cộng hưởng sắc nét trên toàn bộ phím đàn, những hợp âm rải kì diệu mang đến một không gian lung linh trong màn sương kì diệu, thì với tính triết lý sâu sắc và những giá trị nghệ thuật vô giá trong cấu trúc giai điệu, âm nhạc của Ludwig Van Beethoven trong bản Sonata No. 3 in C major, Op. 2 No. 3, 1st Movement lại là ngọn lửa sáng soi đường cho niềm tin vào chiến thắng. Những giai điệu của Beethoven chứa đầy sự mãnh liệt nhưng cũng đậm chất lãng mạn, nên thơ.

Nếu như những giai điệu của Claude Debussy và Ludwig Van Beethoven như cơn gió thổi cho đốm lửa cháy ngày càng lớn hơn thì tác phẩm Transcendental Étude No. 10 in F minor, "Appassionata" của Franz Liszt lại đẩy cảm xúc người nghe bùng cháy như một ngọn đuốc rực rỡ. Sự mãnh liệt, thách thức, chiến đấu không khoan nhượng luôn là sắc thái đặc biệt trong các tác phẩm của ông. Âm nhạc của Liszt đầy mê hoặc và bí ẩn nhưng cũng vì thế mà nó kích thích sự chinh phục đến tuyệt đối. “Thật khó diễn tả được cách mà Liszt đã chơi đàn. Ông không tạo ra những thanh âm lớn, thậm chí khi ông chơi đàn, những thanh âm đó dường như không tồn tại. Khi Liszt đặt tay lên phím đàn, những ai chưa từng nghe ông trình diễn sẽ khó có thể hình dung và tưởng tượng được những thanh âm ấy ra sao” - Alexander Siloti đã từng nói về âm nhạc của ông như vậy.

Sau những dữ dội trong những giai điệu của Liszt, sự trong sáng, dịu dàng quay trở lại trong những giai điệu lấp lánh và đầy lãng mạn của Chopin. Với kĩ thuật biểu diễn yêu cầu sự tự do và thư giãn tối đa trên đôi bàn tay và các ngón tay chơi đàn của người nghệ sĩ, những âm hưởng hoàn hảo trong bản Étude Op. 10, No. 11, in E♭ major đã chinh phục cảm xúc của khán giả và đưa người nghe vào một thế giới đầy say mê và màu sắc. Kết thúc buổi hòa nhạc trực tuyến, bản Piano Sonata No. 6 in A major, 1st Movement của Sergei Prokofiev đã kết lại với âm hưởng của sự đấu tranh nội tâm sâu sắc. Với kĩ thuật trình diễn điêu luyện và đầy cảm hứng, phần trình diễn của nghệ sĩ Lưu Hồng Quang đã thực sự chạm vào trái tim những người yêu nhạc, để lại những ấn tượng thật khó phai trong lòng khán giả.

Với tâm tưởng luôn hướng về nguồn cội và đau đáu với sứ mệnh phụng sự quê hương, Tổ Quốc, hàng năm dù bận rộn thế nào nghệ sĩ Lưu Hồng Quang cũng sắp xếp thời gian trở về quê nhà để góp một phần nhỏ vào việc lan tỏa tình yêu với âm nhạc, đặc biệt là âm nhạc cổ điển với công chúng quê nhà. Hơn hai năm giãn cách do dịch chưa thể trở về quê hương, dịp trở lại lần này lại càng mang nhiều ý nghĩa đặc biệt hơn. Trước đó, ngày 18/6 anh cũng có buổi Master Class giao lưu với các sinh viên học tại HVANQG Việt Nam. Chương trình được tổ chức tại Show room Việt Thương Music, TTTM Vincom, 54A Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội. Trong thời gian tới, nghệ sĩ Lưu Hồng Quang cũng có những dự định của riêng mình để mong đóng góp nhiều hơn tới cộng đồng yêu nhạc cổ điển nước nhà. Với niềm hi vọng và chờ mong, khán giả trong nước đã sẵn sàng cho sự trở lại tiếp theo của nghệ sĩ Lưu Hồng Quang.

Lưu Hồng Quang sinh năm 1990, từng theo học tại Học viện Âm nhạc Quốc Gia Việt Nam, Nhạc viện Quốc tế Úc và Đại học Montreal, Canada. Anh từng đạt các giải thưởng Piano cao quý trên toàn thế giới như: Giải Đặc biệt cuộc thi Piano Quốc tế Chopin – Châu Á tại Tokyo lần thứ 4 (2006), Giải Nhất cuộc thi Chopin – Sydney (2009), Giải Nhất cùng 4 giải phụ cuộc thi Piano Lev Vlassenko lần thứ 7 (2011), Giải Nhì cuộc thi Quốc tế Euregio Piano Award (2015), Giải Nhì cuộc thi Piano Quốc tế Cita Di Oleggio - Italy (2018). Hiện Lưu Hồng Quang là giảng viên bậc Đại học và Cao học, Học viện Âm nhạc và Biểu diễn Nghệ Thuật (AMPA) Sydney, Úc.

BTV Châu Anh.