18 tuổi, trong khi bạn bè cùng trang lứa còn đang mải “đối phó” với hàng loạt vấn đề của tuổi mới lớn thì Lưu Hồng Quang đã kịp lận lưng cho mình năm giải thưởng quốc tế piano.
18 tuổi, trong khi bạn bè cùng trang lứa còn đang mải “đối phó” với hàng loạt vấn đề của tuổi mới lớn thì Lưu Hồng Quang đã kịp lận lưng cho mình năm giải thưởng quốc tế piano.
Quang say những phím đàn. Đã ngồi vào cây đàn piano Quang quên hết tất cả. Quang bảo: “Lúc đó em không quan tâm sân khấu đó đẹp hay xấu, khán giả đông hay ít, cây đàn đó tốt hay bình thường, em chơi bằng cả trái tim mình. Lúc đó có bom rơi đạn nổ, chắc em cũng chẳng còn để ý”. Hình ảnh đó gợi nhớ nghệ sĩ Wladyslaw Szpilman trong Nghệ sĩ dương cầm. Có lẽ vì thế Quang đã chinh phục được khán giả và ban giám khảo ở nhiều cuộc thi piano quốc tế, trong khi chưa hề có một kinh nghiệm “chinh chiến” nào khi còn ở trong nước.
Nhìn gương mặt “măng sữa” của Quang khó mà tin rằng Quang có thể chín chắn đến mức độ như thế. Bao nhiêu những đoán định trước đó trở nên vô ích, nó đã bị gương mặt thiên thần ấy lừa mị. Quang kể chính quãng thời gian hơn một năm du học xa gia đình đã cho Quang sự tự lập trong suy nghĩ và tính cách. Nó giống như một bước ngoặt khó có thể quên trong cuộc đời.
Những giải thưởng quốc tế
Lưu Hồng Quang là con nhà nòi đúng nghĩa. Sinh ra trong một gia đình nghệ thuật, bố là nghệ sĩ ưu tú Lưu Quang Minh - phó giám đốc Học viện âm nhạc quốc gia VN - chuyên giảng dạy đàn accordeon và là trưởng khoa nhạc jazz. 5 tuổi, Quang đã được bố định hướng theo học piano.
Trước khi đi học ở nước ngoài, Quang sống khép kín. Hành trình quen thuộc trong suốt những năm sống ở VN chỉ lặp đi lặp lại từ nhà đến nhạc viện. Thế giới của Quang ở trong những nốt nhạc, trong những giai điệu chứ không phải ở thế giới bên ngoài như bạn bè cùng trang lứa. Thế giới đó tạo cho Quang một tâm hồn nhạy cảm nhưng lại nhút nhát và dè dặt với cuộc đời. Nhưng khi Quang đã đứng trên sân khấu thì tất cả những nhút nhát đó nhường chỗ cho đam mê và say đắm. Và khi đã đặt tay vào những phím đàn, thế giới thuộc về Quang và những nốt nhạc của Quang.
Biết được thế mạnh của Quang, năm 2006 cô Nguyễn Thu Hà - nguyên giám đốc nhạc viện và đồng thời cũng là cô giáo của Quang - đã trao vào tay Quang một cơ hội: tham dự cuộc thi âm nhạc châu Á mang tên Chopin tại Nhật Bản dù trước đó Quang chưa hề có kinh nghiệm biểu diễn, thi thố tại một cuộc thi nào cả ở trong và ngoài nước. Không phụ sự trông đợi của thầy cô và bạn bè, ngay lần thi đầu tiên này Quang đã mang về giải đặc biệt của cuộc thi. Cũng trong năm 2006, Quang tiếp tục tham gia cuộc thi độc tấu piano quốc tế mang tên Val Tidone, tổ chức tại Ý và giành được giải ba (không có giải nhì) của cuộc thi này.
Năm 2008 là năm bội thu giải thưởng của Quang khi liên tiếp giành ba giải thưởng tại các cuộc thi piano quốc tế. Lần thứ hai quay lại với Val Tidone Festival, Quang giành được giải nhì (không có giải nhất) của cuộc thi này vào tháng 6-2008. Ngay sau đó, Quang tiếp tục giành giải ba cuộc thi piano quốc tế thế kỷ 19 (tháng 6-2008) tại Sydney, Úc và giải nhất cuộc thi piano quốc tế Recital Award (tháng 8-2008) cũng tại Sydney.
Mọi người nghĩ rằng ở Quang hội đủ mọi điều kiện để trở thành một tài năng âm nhạc hoặc những giải thưởng của Quang có được là một lẽ đương nhiên. Thế nhưng, để chạm tay được vào những giải thưởng đó, thay vì một tuổi thơ giống như bao đứa trẻ khác, Quang phải miệt mài luyện tập với phím đàn. Khó có thể tin được một cậu bé 18 tuổi mà chưa một lần đi xe máy, những mối quan hệ ngoài gia đình cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Giống như lời một câu hát, cuộc đời này chẳng có hành trình nào trải bước trên hoa hồng mà bàn chân không phải thấm đau vì những mũi gai.
Từ cậu bé piano đến người đàn ông Piano
Những giải thưởng đó đã giúp Quang có được tấm vé du học tại Học viện Âm nhạc Uc. Hơn một năm học tập tại quốc gia đa sắc tộc này đã giúp Quang trưởng thành rất nhiều cả trong kỹ năng biểu diễn lẫn kinh nghiệm sống. Quang bảo: “Trước đây em sống khép kín và hơi “tự kiêu”, coi loại hình âm nhạc cổ điển của mình cao hơn các loại hình khác. Nhưng sau khi đi học, tiếp xúc với nhiều bạn bè, với nhiều nền văn hóa em nhận ra rằng không có âm nhạc nào hơn âm nhạc nào, mà chỉ có những nghệ sĩ đủ tài năng để chinh phục được khán giả hay không. Em học được cách mở lòng ra với cuộc sống nhiều hơn, sống có trách nhiệm hơn với bản thân và mọi người xung quanh”.
18 tuổi nhưng Quang đã có những suy nghĩ hết sức nghiêm túc về công việc và sự nghiệp của mình. Quang tham gia những giải thưởng quốc tế không có mục đích chính để giành giải thưởng mà để rèn cho mình kỹ năng, kinh nghiệm trên con đường trở thành nghệ sĩ piano thực thụ. Quang tin rằng những giải thưởng như những dấu mốc trên hành trình chinh phục công chúng, nó giống như những ghi chú trong cuốn sổ tay âm nhạc của riêng bản thân Quang. Quang nói: “Em rất vui với những gì mình đã làm được. Tuy nhiên, đó mới chỉ là bước khởi đầu và em còn cần phải tiếp tục học hỏi, rèn luyện để có thể hoàn thiện và tiến xa hơn nữa trên con đường âm nhạc chuyên nghiệp”.
Những giải thưởng đó cũng cho Quang cơ hội được biểu diễn tại nhiều sân khấu lớn trên thế giới nhưng những điều phù phiếm đó giờ không còn nhiều ý nghĩa. Với Quang, ý nghĩa của cuộc sống bây giờ là được chơi đàn ở bất cứ nơi đâu. Quang thích những lần được về nước biểu diễn cùng thầy cô và các bạn trong nhạc viện. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của Quang là cuộc biểu diễn dành cho các em khiếm thị ở Trường Nguyễn Đình Chiểu. Ban đầu, các thầy trong trường nói rằng không nên chơi nhạc cổ điển cho các em khiếm thị bởi không phải ai cũng có thể thẩm thấu được loại hình âm nhạc “khó xơi” này. Thế nhưng, khi chương trình diễn ra, cả hội trường say mê lắng nghe những ngón đàn của Quang.
Đêm đó, Quang đã chơi bằng cả trái tim của mình vì có những khán giả đích thực, vì tình cảm của mình gửi qua những bản nhạc được mọi người đón nhận. Quang thích hình ảnh người nghệ sĩ piano ngồi trên một chiếc xe với cây đàn, rong ruổi đi khắp cùng trời cuối đất để chơi nhạc cho những khán giả khắp nơi, trên những cánh đồng, nơi thôn quê - chơi thứ âm nhạc “có ích” kết nối mọi tâm hồn.
Ai từng có dịp gặp Quang trước đây đều cảm thấy “choáng” vì sự thay đổi của Quang. Từ một cậu bé piano nhút nhát, Quang trở thành một “piano man” đích thực. Quang tự tin: “Môi trường sống đã làm em thay đổi nhiều và quan trọng nhất là sự tự tin dám nói điều mình nghĩ, làm những việc mình thích”.
Cây đàn piano với Quang giống như một người bạn tâm giao và Quang có thể chia sẻ với nó tất thảy những vui buồn trong cuộc sống. Quang tin vào con đường của mình đã chọn với những suy nghĩ hết sức tích cực: cuộc sống phải vươn lên phía trước để khi mình ngoảnh đầu lại không có gì hối tiếc. Bận rộn với lịch học và lịch biểu diễn dày đặc của mình, Quang không cho mình có thời gian để buồn, để cô đơn.
18 tuổi, có trong tay một điểm tựa vững chắc, Quang đang vững bước trên hành trình trở thành một nghệ sĩ dương cầm chơi nhạc bằng cả trái tim để nối kết những trái tim.