Mấy năm gần đây, tên của nghệ sĩ đàn piano trẻ tuổi Lưu Hồng Quang đã trở nên rất quen thuộc với công chúng yêu nhạc cổ điển VN. Lưu Hồng Quang đã đoạt giải thưởng đặc biệt của cuộc thi quốc tế Chopin châu Á (2006) tại Nhật Bản
Mấy năm gần đây, tên của nghệ sĩ đàn piano trẻ tuổi Lưu Hồng Quang đã trở nên rất quen thuộc với công chúng yêu nhạc cổ điển VN. Lưu Hồng Quang đã đoạt giải thưởng đặc biệt của cuộc thi quốc tế Chopin châu Á (2006) tại Nhật Bản khi mới 16 tuổi và tiếp đó cho đến tháng 9 năm nay là một chuỗi 10 giải thưởng tại các cuộc thi đàn piano quốc tế tổ chức tại Australia, Italy, VN... qua việc biểu diễn thành công âm nhạc của các tác giả ở các thời kỳ khác nhau, các phong cách, trường phái không giống nhau.
Lưu Hồng Quang còn được biết đến và yêu thích qua những buổi biểu diễn trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội. Gần đây, ấn tượng nhất là đêm diễn bản Concerto cho piano số 1 của Tchaikovsky, một tác phẩm rất hay, rất khó, rất ấn tượng mà bất cứ nghệ sĩ piano nào cũng muốn được biểu diễn: “Trong đời, mình phải chơi cho được bài này, nếu chưa thì coi như còn một món nợ".
Với quyết tâm ấy, Quang không chỉ luyện tập mà còn tìm hiểu đặc điểm sáng tác của Tchaikovsky về bản concerto này. Với sự chỉ bảo của NSND Đặng Thái Sơn, Lưu Hồng Quang đã tìm được cách thể hiện sự kịch tính của tác phẩm thông qua biểu hiện những nét tương phản của âm nhạc. Điều này góp phần tạo nên thành công của Quang trong diễn tấu bản Concerto cho piano số 1 của Tchaikovsky. Cả trong tiếng đàn, cả trong suy nghĩ, người ta không còn thấy dáng vẻ học trò của chàng sinh viên Đại học Âm nhạc nữa. Đó là tiếng đàn của một nghệ sĩ tài năng, được công chúng giới chuyên môn ghi nhận. Hiện nay, Quang là sinh viên năm thứ hai của Nhạc viện quốc tế Australia (AICM), dưới sự dìu dắt của giáo sư, nghệ sĩ, nhà sư phạm âm nhạc nổi tiếng Kyung Hee Lee, Giám đốc nhạc viện. Chính bà đã tuyển chọn, trao học bổng toàn phần và nhận dạy Lưu Hồng Quang khi sang làm việc tại Học viện Âm nhạc quốc gia VN lúc Quang đang theo học GS. Trần Thu Hà, vì bà nhận thấy "Lưu Hồng Quang có nhạc cảm rất tốt, kỹ thuật tốt, chăm chỉ luyện tập, trau dồi kiến thức và tình cảm". Quang kể, ngoài việc nghe nhạc, Quang thích đọc sách văn học, Thời thơ ấu của Maxim Gorky gần với Scriabin, Quang nhận xét: Hiểu về Scriabin cũng là yếu tố giúp Quang đạt giải Ba cuộc thi Russian Piano, một trong hai tác phẩm dự thi của Quang là bản Etude số 12 Op.8 của nhạc sĩ này, học vận dụng cái giác quan vì cho rằng "người chơi nhạc phải nhạy cảm với cuộc sống, với thành công hoặc vấp ngã, để tưởng tượng, để đồng cảm với tác giả, bởi khi nó thấm vào mình, đến một lúc nào đó nó có thể giúp ích cho tiếng đàn".
GS. Lee rất giàu kinh nghiệm nên thay vì khuyến khích chơi những bài khó, bà cho Quang tập những bài nhỏ, rất cơ bản như các sonata của Mozart. Quang kể lại chuyện thời gian GS. Lee yêu cầu anh tập luyện kỹ thuật rơi, nghĩa là khi chơi, tập, phải thả lỏng cơ từ bả vai đến cánh tay xuống phím đàn như một dòng nước chảy, thả lỏng cơ nhưng cường độ âm thanh vẫn phải đạt hiệu quả mong muốn, cứ một giây một nốt, tập mãi, có lẽ tới hàng nghìn lần. Một hôm, có một thầy giáo là bạn của GS. Lee đến chơi, cô giáo giới thiệu Quang chơi bản nhạc sử dụng đến kỹ thuật "rơi", "lúc ấy tôi thấy mình chơi thật dễ dàng, thoải mái".
Một trong những lợi ích khi học ở Nhạc viện AICM là môi trường tốt để trau dồi kỹ năng biểu diễn. Trong nửa học kỳ, Quang được biểu diễn 8 buổi, đó là điều kiện lý tưởng để rèn luyện, để cọ xát và để tự nhìn nhận mình. Đó là cách đào tạo lý thuyết đi đôi với thực hành rất chuẩn mực, điều mà không nhiều nơi thực hiện được.
Vừa qua, Lưu Hồng Quang đã luyện tập và biểu diễn bản Concerto số 1 của F.Chopin nhân Kỷ niệm 200 năm năm sinh của nhạc sĩ thiên tài này cùng Dàn nhạc giao hưởng quốc gia VN.
Sinh ra ở Hà Nội vào ngày Kỷ niệm giải phóng Thủ đô 10/10/1990, lớn lên trong tiếng nhạc và khát vọng của cha mẹ - Lưu Hồng Quang là con đầu của PGS.TS.NSƯT. Lưu Quang Minh, giảng viên Học viện Âm nhạc quốc gia VN, người thành công trên đấu trường quốc tế về đàn accordion. Lúc còn nhỏ, Quang chơi đàn như một trò chơi, rồi trở thành thói quen, đi tới nhận thức: "Khi chơi đàn, âm nhạc như tấm gương soi xét tâm hồn con người, thể hiện bản tính con người, không thể giấu diếm được cái gì".
Sau khi tham gia các cuộc thi, mỗi bước cao dần lên, Quang thấy trách nhiệm của mình cao hơn và mục tiêu hướng tới cũng cao hơn. Bây giờ, trước mắt là cuộc thi âm nhạc Tchaikovsky danh giá. Hy vọng Lưu Hồng Quang, chàng trai Hà Nội tài năng và đầy nỗ lực dành cả cuộc đời cho sự nghiệp chinh phục đỉnh cao đầy khó khăn của nghệ thuật diễn tấu đàn piano sẽ thành công!