Việt Nam đoạt một giải Nhất và một giải Nhì tại hai cuộc thi âm nhạc lớn tổ chức tại Sydney, Australia từ ngày 21 đến 23/7/2009. Giải nhất của Lưu Hồng Quang tại cuộc thi âm nhạc Recital Award Piano, giải nhì của Lưu Đức Anh tại cuộc thi Classical Sonata.
Cả hai cuộc thi đều tổ chức bởi Sydney Eisteddfod, tổ chức uy tín có bề dày 76 năm hoạt động. Tuy chưa lớn như các cuộc thi âm nhạc mang tên Tchaikovsky ở Nga, Chopin ở Ba Lan… nhưng đây được ví như cây cầu nối tiếp chặng đường đưa tài năng âm nhạc Australia đến với các cuộc thi danh giá nhất thế giới.
Ở cuộc thi Chopin Piano, chàng trai sinh năm 1990 Lưu Hồng Quang tham dự bảng từ 16 tuổi trở lên. Có 30 thí sinh vòng chung kết, ngoài Australia, có Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam. Khác với nhiều cuộc thi quy định danh sách tác phẩm bắt buộc, ở đây, mỗi thí sinh được lựa chọn trình bày một tác phẩm dài tối đa 17 phút. Lưu Hồng Quang chọn Heroic Polonaise in A flat Major số 6 Op.53 và Etude in C major Op.10 số 1. Hầu hết các bản Polonaise của Chopin đều lãng mạn. Riêng tác phẩm Quang chọn lại thể hiện tính anh hùng ca nhưng vẫn toát lên chất lãng mạn, đúng như thế giới nội tâm của nhạc sĩ thiên tài Chopin “nhà thơ của cây đàn piano”.
Giáo sư Glenn Riddle - nghệ sĩ piano uy tín của Australia, đánh giá về lưu Hồng Quang: “Trình độ kỹ thuật cũng như cách biểu hiện toát lên được hơi thở của tác phẩm. Tiếng đàn và kỹ thuật vững vàng đến từng chi tiết. Có phong cách nghệ sĩ”.
Lưu Đức Anh sinh 1993, dự cuộc thi Classical Sonata nơi thể hiện những bản sonata cổ điển dành cho thí sinh 18 tuổi trở xuống. Có 28 thí sinh ở vòng thi cuối cùng, các thí sinh đa số chọn những bản sonata của Mozart với tính chất tinh tế và trong sáng, bên cạnh đó là tác phẩm của Haydn. Một số ít chọn sonata của Beethoven bởi lẽ Beethoven là nhạc sĩ cuối cùng của thời kỳ âm nhạc cổ điển, là người kế thừa và phát huy thành quả âm nhạc của các nhạc sĩ đi trước như Haydn, Mozart. Âm nhạc của Beethoven thể hiện tính kịch, sự tương phản mạnh mẽ hơn các nhạc sĩ đi trước cũng bởi giai đoạn ông sống ở châu Âu có nhiều biến động. Thế giới quan của Beethoven pha trộn giữa những âm hưởng hào hùng của cuộc cách mạng tư sản Pháp 1789 mà ông lưu giữ trong ký ức, và sự trì trệ, bế tắc của xã hội đương thời. Tức là, những bản sonata của Beethoven chứa đựng sự xung đột mạnh mẽ giữa các chủ đề âm nhạc.
Lưu Đức Anh là một trong số ít thí sinh tự tin chọn sonate Beethoven và “Đáp ứng được những yêu cầu về kỹ thuật cũng như tư tưởng của tác phẩm. Sự phối hợp giữa hai tay tốt, tôn lên giai điệu chính. Đạt được cường độ âm thanh theo yêu cầu của tác phẩm”. Giáo sư J. Heffernan, Chủ tịch Ban giám khảo nhận xét. Lưu Đức Anh đạt 93 điểm - điểm excellent (thang điểm cao thứ nhì) để giành giải nhì chung cuộc. Hiện Lưu Đức Anh học năm thứ ba hệ trung cấp tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, từng đoạt giải nhì cuộc thi Âm nhạc Mùa thu năm 2008, cùng năm đó đứng thứ tư cuộc thi âm nhạc Val Tidone tại Italia.
Còn Lưu Hồng Quang năm 2006 giành suất học bổng toàn phần về âm nhạc tại Australia. Quang có bảng thành tích đáng nể tại các cuộc thi quốc tế: Sáu lần dự thi quốc tế đều đoạt giải. Riêng ở Australia đây là lần thứ hai Quang đạt giải nhất. Quang đã từng biểu diễn trong các buổi hòa nhạc ở Australia, Nhật Bản, Italia. Với thành tích đạt được, ngày 15/1/2009 Thủ tướng Chính phủ đã tặng thưởng bằng khen cho Lưu Hồng Quang. Lễ trao tặng diễn ra đêm 22/2 tại Nhà hát Lớn Hà Nội khi Quang trở về tham gia chương trình biểu diễn của các tài năng piano trẻ Việt Nam.
Tháng 10 tới đây, Lưu Hồng Quang sẽ thêm một lần nữa tái ngộ khán giả Sydney trong một buổi hòa nhạc lớn với tư cách nghệ sĩ độc tấu piano cùng dàn nhạc giao hưởng danh tiếng của Úc.
Lưu Hồng Quang và Lưu Đức Anh là hai anh em ruột sinh ra trong gia đình âm nhạc. Cha là PGS.TS.NSƯT Lưu Quang Minh, một nhà sư phạm Accordeon và nhạc Jazz uy tín, hiện là Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nạm.
Lưu Hồng Quang và Lưu Đức Anh đều được học đàn piano từ khi lên sáu và được GS.TS.NGND. Trần Thu Hà hướng dẫn trong suốt thời gian học tập tại Học viện Âm nhạc Quốc Gia Việt Nam.