Hanoi Grapevine đã phỏng vấn nghệ sỹ piano trẻ tuổi tài năng Lưu Hồng Quang về buổi hòa nhạc Piano Series No.3 – ÉVOLUTION do công ty Maestoso tổ chức, sẽ diễn ra vào 20:00, thứ Tư 03/10/2018 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Lưu Hồng Quang là một nghệ sỹ piano trẻ tuổi xuất sắc với hàng loạt các giải thưởng quốc tế tại Nhật Bản, Úc, Đức, Italy v.v… và là học trò của nghệ sỹ piano Đặng Thái Sơn. Anh được nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho những thành tích âm nhạc của mình. Hiện anh đang là giảng viên trẻ tuổi nhất tại Học viện Âm nhạc và Biểu diễn Nghệ thuật Úc (AMPA).
Khoảng bao lâu thì anh nước biểu diễn một lần?
Hiện nay, một năm tôi về nước biểu diễn một đến hai lần tại cả Bắc, Nam, lúc độc tấu, lúc cùng dàn nhạc giao hưởng.
Diễn cho khán giả trong nước khác với diễn cho khán giả quốc tế như thế nào?
Khán giả Việt Nam đang trong thời kì hội nhập với nền âm nhạc hàn lâm trên thế giới, có một năng lượng trẻ trung và hào hứng từ phía khán giả truyền cảm hứng thêm cho người nghệ sĩ dẫn dắt người nghe vào các tác phẩm kinh điển một cách tươi mới.
Anh đã từng chơi với nhiều dàn nhạc giao hưởng của các nước, cảm nhận về sự khác nhau giữa các dàn nhạc này là gì?
Nhìn chung các dàn nhạc còn phụ thuộc nhiều vào phần dựng bài của người chỉ huy. Dàn nhạc nước ngoài có sự ổn định và thích ứng nhanh với nghệ sĩ độc tấu, nhưng dàn nhạc Việt Nam lại có những lúc xuất thần rất hay, điều này tôi đã chứng kiến khi diễn cùng dàn nhạc giao hưởng Hà Nội tại Tokyo. Dĩ nhiên về cơ sở vật chất, acoustic, phòng diễn và lịch diễn đều đặn của các dàn nhạc nước ngoài cũng là một lợi thế lớn của họ.
Sự lựa chọn các tác phẩm cho buổi diễn sắp tới là để phù hợp với gu của khán giả trong nước?
Tôi chọn một chương trình khá cân bằng với các tác phẩm nhiều màu sắc và tương phản rõ rệt cho cả khán giả đại chúng và giới chuyên môn.
Xin hãy cho biết lý do lựa chọn Chùm 5 Bagatelles của tác giả đương đại Carl Vine người Úc lần đầu tiên được trình diễn trọn bộ tại Việt Nam?
Tôi cảm thấy khá thú vị khi giới thiệu cho khán giả Việt Nam một mảng màu sắc của âm nhạc đương đại – và đặc biệt là của tác giả đến từ Úc, nơi tôi đã học tập trước đây. Ngôn ngữ âm nhạc độc đáo và phá cách, bản số 5 kết cả chùm tác phẩm được viết đề tặng, tưởng niệm các nạn nhân bị nhiễm HIV.
Những nhà soạn nhạc, xu hướng phát triển âm nhạc đương đại mà anh đang để ý tới là gì?
Cá nhân tôi chưa biểu diễn nhiều các tác phẩm từ sau thế kỉ 20 vì tôi cảm thấy nội dung và âm sắc của âm nhạc cổ điển, lãng mạn gần gũi với cảm xúc và tâm hồn của tôi hơn. Tuy vậy, tôi rất trân trọng sự đổi mới, thay đổi góc nhìn trong âm nhạc của những nhà soạn nhạc thế kỉ 20, 21. Gần đây tôi đang có những khám phá thú vị về tác giả Nga Prokofiev, và có thể tôi sẽ chơi thêm các tác phẩm của ông trong tương lai.
Cá nhân anh đánh giá thế nào về phong cách và chỗ đứng của mình? Anh có muốn phá cách? Hay muốn đi theo hướng cổ điển?
Tôi cảm thấy mình vẫn còn trẻ và còn cần rất nhiều kinh nghiệm cả về biểu diễn lẫn mở rộng chương trình các tác phẩm của mình. Tuy nhiên, tôi cũng không còn ở lứa tuổi học sinh nên bây giờ tôi hướng đến sự hoàn thiện về ý đồ âm nhạc, và sự trưởng thành trong phương thức biểu đạt âm nhạc. Cá nhân tôi tôn trọng các tác phẩm của các nhà soạn nhạc và bằng mọi khả năng của mình đàn tác phẩm đó gần với ý đồ tác giả muốn truyền tải nhất hơn là đàn một cách quá tự do. Sẽ có những cái tự do trong khuôn khổ mà tôi sẽ làm khác với một số các nghệ sĩ khác nhưng dưới thẩm mỹ và liều lượng thích hợp với tác phẩm.
Đã từng có thời gian theo học nghệ sỹ piano Đặng Thái Sơn, anh học hỏi được những gì từ thầy mình?
Điều tôi may mắn được học được từ người thầy của tôi đó là một sự chân thành một cách mộc mạc và giản dị khi làm âm nhạc, không hoa hoè, không khoa trương, mà đi thẳng vào nội dung của âm nhạc. Mọi kĩ thuật, mọi phương thức cuối cùng là để bản nhạc toát lên một cái thần chứ không phải để phô trương.
Anh đã từng đoạt nhiều giải thưởng piano, giải thưởng nào là quan trọng nhất đối với anh?
Mỗi cuộc thi đều để lại bài học lớn cho tôi, bất kể kết quả thế nào. Có lẽ cuộc thi đáng nhớ nhất với tôi là cuộc thi Lev Vlasseko tại Úc, vì nó là tiền đề giúp tôi có thêm tự tin và kinh nghiệm để tham gia các giải thi sau đó.
Cuộc thi Lev Vlassenko là cuộc thi piano toàn châu Úc dành cho các nghệ sĩ chuyên nghiệp từ 18 đến 30 tuổi, gồm 4 vòng thi với vòng chung kết là biểu diễn cùng dàn nhạc giao hưởng Queensland của Úc. Lúc đó tôi 20 tuổi và đã may mắn đoạt giải nhất cùng 4 giải phụ, người chơi Chopin hay nhất, chơi Liszt hay nhất, chơi sonata cổ điển hay nhất, chơi recital hay nhất.
Việc tham gia nhiều và liên tục các giải piano có tầm quan trọng như thế nào đối với anh?
Có lẽ điều quan trọng nhất khi tham gia thi đấu là khâu chuẩn bị, và chính khâu chuẩn bị này là lúc mà mình hoàn thiện bản thân và mở khoá mọi khả năng tiềm tàng của mình mà bình thường có khi khó nhìn thấy được. Sự chuẩn bị một chương trình lớn trong một mốc thời gian và phải đảm bảo chất lượng chuyên nghiệp và nghệ thuật cao nhất có thể sẽ giúp mọi nghệ sĩ tôi luyện được bản lĩnh biểu diễn trên sân khấu và nhìn ra điểm mạnh, yếu của mình rõ rệt.
Huân chương lao động hạng Ba có ý nghĩa như thế nào đối với anh?
Với tôi, lao động nghệ thuật đầu tiên phải là vì nghệ thuật, không phải là thành tích, giải thưởng hay sự nổi tiếng. Tuy nhiên khi nhận được huân chương này từ thủ tướng chính phủ, tôi vô cùng vinh dự và thật sự vui mừng không phải vì cho bản thân mà là Bộ Văn hoá và chính phủ đã có sự quan tâm và ghi nhận những đóng góp của các nghệ sĩ trong lĩnh vực âm nhạc hàn lâm.
Vì sao anh và Maestoso quyết định chọn Chương trình từ thiện Cặp lá yêu thương để ủng hộ?
Đây là một chương trình hỗ trợ trẻ em nghèo được tới trường, tôi vô cùng may mắn đã có điều kiện được đi du học từ bé và tôi cũng ý thức được tầm quan trọng của giáo dục như thế nào. Ở nước ta có vô vàn các mầm non với những tiềm năng xuất chúng, cần được phát hiện, phát triển. Và giáo dục là một hành trang không thể thiếu trong quá trình ươm mầm cho các em.
Sự tài trợ (Eva Airways) cho chương trình có tầm quan trọng như thế nào đối với chất lượng của chương trình, đối với khán giả và đối với nghệ sỹ biểu diễn?
Âm nhạc cổ điển đòi hỏi độ tinh xảo lớn trong âm thanh vì vậy cần được thưởng thức trong những không gian cùng những nhạc cụ chất lượng cao để cộng hưởng cùng với người nghệ sĩ tạo ra những âm thanh mộc một cách trau chuốt nhất. Vì thế sự tài trợ của hãng hàng không 5 sao EVA Airways cho đêm diễn tại nhà hát lớn đóng vai trò quyết định trong việc truyền tải những chất lượng âm thanh và không gian nghệ thuật chính qui nhất tới khán giả. Một lần nữa tôi xin được trân trọng cảm ơn nhà tài trợ EVA đã cùng đồng hành với tôi cùng công ty Maestoso trong concert này.
Xin cảm ơn anh!