Trở về biểu diễn tại Việt Nam vào tháng 12/2013, nghệ sĩ Piano Lưu Hồng Quang đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng người yêu nhạc cổ điển Việt Nam về một chàng trai trẻ tài năng và nhiệt huyết.
Sang nước ngoài du học và biểu diễn trong nhiều năm nay, anh có hay theo dõi các hoạt động âm nhạc cổ điển tại Việt Nam không? Anh có nhận xét gì về sự phát triển của nó?
Tôi vẫn hay theo dõi trên các phương tiện truyền thông đại chúng và thấy rằng nhạc cổ điển Việt Nam đang dần chuyển mình theo hướng chuẩn quốc tế. Ngày càng có nhiều những sự kiện hòa nhạc, hòa tấu thính phòng, các câu lạc bộ nhạc cổ điển ra đời như câu lạc bộ CEG hoạt động tại Café Trung Nguyên. Tuy sự phát triển này còn chậm nhưng có thể coi là dấu hiệu đáng mừng.
Theo anh, có sự khác biệt nào trong việc thưởng thức âm nhạc cổ điển ở thế giới và Việt Nam?
Theo tôi, sự giống nhau trong thưởng thức âm nhạc cổ điển của khán giả trên toàn thế giới đều là họ đến và nghe thôi. (Cười)
Còn sự khác nhau theo tôi là do âm nhạc cổ điển có mặt trong đời sống của người Âu Châu từ rất lâu, khán giả phần nhiều đều đã được làm quen với loại hình âm nhạc này và có những hiểu biết cơ bàn về nhạc lí. Người Việt Nam đang dần tiếp cận, làm quen với nhạc cổ điển, những kiến thức cũng như thói quen thưởng thức mới đang được giới thiệu nên số đông khán giả còn thấy xa lạ với nó. Còn rất nhiều thứ để phát triển, nhưng con đường nào cũng phải bắt đầu từ những bước đầu tiên.
Chơi nhạc cổ điển, điều gì tạo nên phong cách của người nghệ sĩ? Những bản nhạc họ chọn biểu diễn hay là cách họ chơi nhạc?
Theo tôi, nhạc cổ điển cái lõi nằm ở âm thanh và nội dung tư tưởng người nghệ sĩ muốn truyền tải qua đó. Tất cả cá tính hay phong cách âm nhạc đều nằm ở đó. Cũng có nhiều tiêu chí để định hình phong cách của mỗi người. Nó có thể nằm ở cách người nghệ sĩ chọn tác phẩm trong từng thời kì. Ví dụ khi anh chọn tác phẩm thời kì lãng mãn thì thường chơi theo cảm xúc, cũng có người thích những tác phẩm có tính logic cao thể hiện triết lí. Hay nếu ai đó thích sự tinh xảo, lại có người thích những thứ cường đại, hùng tráng. Nhưng tất cả đều không tuyệt đối. Có những người nghệ sĩ tuy chơi rất nhiều 1 thể loại nhưng họ cũng hoàn toàn có thể chơi rất nhiều thể loại khác.
Thứ hai, đôi khi người nghệ sĩ chơi cùng một bản nhạc giống nhau nhưng cách chơi lại khác nhau thì điều đó phụ thuộc vào cảm nhận của cá nhân. Cũng như việc một món ăn với ngần ấy nguyên liệu nhưng với những người đầu bếp khác nhau thì lại có sự khác biệt nhất định. Nếu chơi những tác phẩm nổi tiếng nhưng với góc nhìn của mình chắc chắn sẽ tạo ra sự khác biệt dù đã có quá nhiều người biểu diễn.
Phong cách còn chịu ảnh hưởng từ quan điểm nghệ thuật của mỗi người. Có người biểu diễn theo kiểu chuyên sâu sẽ coi trọng thể hiện ý đồ tác giả muốn truyền tải vì vậy họ dành thời gian rất lâu để tìm hiểu cái lõi của thời kì và phong cách của loại nhac đó. Cũng có những người thích chen thêm phần cá tính bằng cách tạo ra những các lôi cuốn với kĩ xảo và hiệu ứng sân khấu. Ví dụ nghệ sĩ piano Lang lang của Trung Quốc có rất nhiều kiểu hiệu ứng sân khấu, làm chủ và nhào lộn với cây đàn thu hút người xem. Có người nghệ sĩ hấp dẫn bằng bằng những chất nhạc sâu đậm, lời ít nghĩa nhiều như những nghệ sĩ của thời kì trước. Cá nhân tôi ngày càng trân trọng và yêu thích 3 nghệ sĩ: Walter Klien, Alfred Brendel, Radu Lupu.
Vậy anh đã định hình được phong cách của mình chưa?
Tôi đang ở thời kì dần vào form. Trước khi sang học với chú Đặng Thái Sơn thì tôi cũng có nhiều kinh nghiệm về biểu diễn. Vì vậy mình có được nhiều cách tạo kĩ xảo và hiệu quả sân khấu. Tuy nhiên cao hơn là mình cần am hiểu phong cách âm nhạc của thời kì, hiểu nó cốt lõi từ trong ra ngoài. Mình phải có chiều sâu am hiểu kĩ phong cách tác giả, tác phẩm mình chơi. Tôi đang trong thời kì nâng cấp chiều sâu về sự am hiểu của mỗi thời kì âm nhạc.
Được biết em trai anh cũng theo học Piano. Trong cách thưởng thức và chơi nhạc có sự giống và khác biệt gì giữa hai nghệ sĩ cùng huyết thống và cùng một niềm đam mê?
Chúng tôi giống nhau ở nhiều mặt, đặc biệt là trong cách chọn tác phẩm thì hai người cùng thích những bản nhạc dài, đồ sộ, cần sự nhiệt huyết.
Sẽ rất khó để nói đến sự khác biệt về mặt tổng thể nhưng có một điều thuận lợi là hai anh em biểu diễn rất ăn ý với nhau trên sân khấu vì có sự đồng cảm trong âm nhạc, muốn cùng nhau thể hiện cái lõi của âm nhạc để đưa tác phẩm đến độ tinh hoa.
Anh nhận xét như thế nào về kĩ thuật và bản lĩnh sân khấu của Đức Anh?
Ở cương vị một người đồng nghiệp, người anh tôi thấy Đức Anh có kĩ thuật rất tốt và cũng như tôi, đang trong thời gian đào tạo về chiều sâu. Ở tuổi đó, Đức Anh có thuận lợi là rất vững về kĩ thuật để chơi những bài khó. Và đối với mọi tác phẩm, Đức Anh vượt qua cái khó một cách dễ dàng và chuyên nghiệp. Tuy nhiên nghệ thuật cũng như âm nhạc nói riêng cần độ chín trong trải nghiệm. Đối với những tác phẩm cần cái kịch tính, những mâu thuẫn, đấu tranh trong nội tâm thì kĩ thuật cao thôi chưa đủ để thấy được cái chất của nhạc cũng như linh hồn của tác phẩm.
Bố của anh là nghệ sĩ Lưu Quang Mình, người có ảnh hưởng rất nhiều đến anh trong việc định hướng con đường và đam mê âm nhạc. Vậy mẹ anh cô Phan Hồng Châu - một doanh nhân thành đạt có ảnh hưởng như thế nào đến anh?
Mẹ luôn dạy tôi về cách đối nhân xử thế, tự tin khẳng định mình nhưng khiêm tốn và đúng mực. Đó là những phẩm chất đáng quý của một doanh nhân thực thụ.
Mẹ tuy không làm nghệ thuật nhưng luôn là nguồn cổ vũ tinh thần cho tôi. Bà đã bươn trải nhiều trên thương trường nên tôi học được ở mẹ những bài học từ cuộc sống. Mẹ là người xử lí các tình huống rất nhanh và logic. Đối với một người nghệ sĩ, đam mê và lãng mạn thôi chưa đủ, cần phải biết nắm bắt cơ hội, có đầu óc logic và cần rất khoa học. Nhờ những ảnh hưởng từ mẹ mà tôi cân bằng hơn trong cuộc sống và tỉnh táo, định hướng tốt hơn trong nghệ thuât.
Sau lần trở về Việt Nam biểu diễn cuối năm 2013, dường như cái tên Lưu Hông Quang quen thuộc hơn với những khán giả yêu nhạc cổ điển. Anh có dự định tiếp theo cho kế hoạch về nước biểu diễn chưa?
Hiện tại tôi còn bận rất nhiều kế hoach học tập cùng như biểu diễn của trường bên này. Sắp tới, tôi tiếp tục với khóa học cao học của chú Đặng Thái Sơn tai Canada. Tháng 7 năm sau tôi có chương trình biểu diễn tại Pháp, bên cạnh đó là ôn luyện chuẩn bị cho các cuộc thi quốc tế.It nhất 1, 2 năm tới tôi mới có kế hoạch biểu diễn ở Việt Nam sau khi hoàn thành việc học tập.